Nông dân trồng lúa hữu cơ được lợi kép

Hàng trăm nông dân chuyên sản xuất mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì mùa vụ trồng lúa ST.24 năm nay được lợi kép, năng suất lúa ước đạt 5,4 tấn/ha và được 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng lúa.

Nong dan trong lua huu co duoc loi kep hinh anh 1Trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, vụ trồng lúa hữu cơ năm nay, UBND xã Long Hòa kết nối được với 3 đơn vị ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ ngay đầu vụ với 112 hộ nông dân, tổng diện tích 95 ha, giá lúa tươi ST.24 được bao tiêu ở mức10.200 đồng/kg, cao gần 2 lần so lúa thường.

Cụ thể, Hợp tác xã Châu Hưng ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ký kết bao tiêu 30 ha; Công ty Hồng Tinh tại Tp. Hồ Chí Minh ký kết bao tiêu 40 ha; Công ty Lục Bảo Sài Gòn cũng ở Tp. Hồ Chí Minh ký kết bao tiêu 25 ha. Hiện nay, nông dân Long Hòa đang thu hoạch gần hết diện tích lúa hữu cơ, giá lúa được Công ty Hồng Tinh thu mua là 12.500 đồng/kg so với giá bao tiêu 10.200 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ ấp Xẻo Ranh cho biết, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa là phương thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân liên tục trong 8 năm qua. Bình quân, trên diện tích 1 ha sản xuất, cùng với nguồn thu từ lúa hữu cơ, sản lượng tôm càng xanh nuôi cho thu hoạch khoảng 500 kg/vụ.Tính tổng lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa hữu cơ - tôm xanh từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất này vừa bảo vệ môi trường, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đảm bảo tính bền vững so với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức bán thâm canh và thâm canh nhiều rủi ro do nuôi tôm 2 - 3 vụ/năm.

Ông Nguyễn Văn Nhanh cho biết thêm, điều kiện đất đai của xã Long Hòa có thừa khả năng để xây dựng vùng lúa hữu cơ đạt khoảng 300 ha. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn tìm doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra cho hạt lúa trong năm 2019, nên kế hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ của xã năm 2020 đạt 300 ha không thực hiện được. Vì vậy, số diện tích không được bao tiêu, UBND xã vận động nông dân vẫn trồng lúa sạch - nuôi tôm càng xanh để đảm bảo có thời gian liên tục 3 năm liền đạt tiêu chuẩn nền ruộng lúa hữu cơ, chờ kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra cho hạt lúa, nâng cao thu nhập.

UBND xã Long Hòa tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng lúa hữu cơ Long Hòa, tranh thủ sự hỗ trợ của UBND huyện, Sở Công Thương tỉnh tìm các doanh nghiệp ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu cho hạt lúa hữu cơ. UBND xã cũng đang xúc tiến việc vận động khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã để đảm bảo về tính pháp lý, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong ký kết hợp đồng chỉ với một đầu mối để không phải ký kết theo từng hộ nông dân như hiện tại.

Phúc Sơn

Tin liên quan

Trồng lúa hữu cơ xuất khẩu ở Gò Công Tây

Gò Công Tây nằm ở phía Đông tỉnh Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Với hàng chục ngàn ha canh tác mỗi năm 3 vụ, khu vực này được xem là vựa lúa gạo hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu của tỉnh. Phát huy lợi thế này, huyện hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác, tuyển chọn giống tốt, giống đặc sản và ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư thâm canh nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu.


Trồng lúa hữu cơ sinh học cho hiệu quả cao

Vụ Đông Xuân 2017-2018, ngành nông nghiệp huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) đã vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa sinh học hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân. Đây là mô hình được thử nghiệm thành công trên địa bàn huyện ở vụ Thu Đông 2017 của 31 hộ dân ở ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, với tổng diện tích gần 28 ha, giúp nông dân đạt lợi nhuận bình quân cao hơn ngoài mô hình trên 10 triệu đồng/ha.



Đề xuất