Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép"

Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép"

Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng hệ lụy của hạn mặn gay gắt từ mùa khộ năm 2019-2020 nên các nhà vườn trồng chôm chôm tại tỉnh Vĩnh Long thêm một năm canh tác khó khăn. Nông dân chưa kịp vui mừng vì vườn chôm chôm dần khôi phục sau khi bị nhiễm mặn thì tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép" ảnh 1Người dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch chôm chôm. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Còn nhiều nỗi lo

Thời điểm này, nông dân ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang thu hoạch chôm chôm trái vụ. Niềm vui của người dân là những vườn chôm chôm từng suy kiệt cách đây gần 2 năm nay đang dần phục hồi, cho thu hoạch trái trở lại.

Theo nhiều hộ dân, mùa khô năm 2019-2020, lần đầu tiên nước mặn xâm nhập vào sâu các kênh nội đồng của bốn xã cù lao thuộc huyện Long Hồ gồm Đồng Phú, An Bình, Hòa Ninh và Bình Hòa Phước. Đây cũng là thời điểm nông dân đang chuẩn bị thu hoạch trái cây nghịch vụ. Nước mặn đi qua, những vườn chôm chôm bắt đầu héo lá, giảm năng suất và chất lượng. Những cây chôm chôm bị nhiễm mặn, rụng trơ lá, không thể xử lý để cho trái. Nhiều hộ dân phải cưa nhánh đến tận gốc, chờ tái tạo lại. Qua hơn 2 năm chăm sóc, đến nay, các vườn đã phục hồi và cho thu hoạch trái.

Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép" ảnh 2 Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước dọn dẹp ao, mương vườn chuẩn bị nạo vét để trữ nước ứng phó với hạn mặn. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Bà Hồ Thị Phê, trú ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, chia sẻ, trước đây, khu vực này không có nước mặn. Năm ngoái, cây vừa ra hoa thì nước mặn vào, cây bị nhiễm mặn, dù có cho trái cũng bị giảm chất lượng. Không bao lâu cả vườn chôm chôm rụng lá, suy kiệt. Ở đây, người dân phải cưa hết nhánh để cây hồi phục. Nhờ địa phương và ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nên người dân mới biết cách phục hồi chôm.chôm để cây cho thu hoạch lại như hôm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước), cho biết, hợp tác xã có 42ha chôm chôm, trong đó hơn 70% diện tích đã bị thiệt hại do nhiễm mặn. Sau khi được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, các thành viên hợp tác xã tập trung xử lý rửa mặn, chăm sóc vườn cây, đến nay đã khôi phục. Ai cũng phấn khởi vì thấy sự phục hồi nhanh của vườn chôm chôm. Hiện nay cũng gần đến mùa khô, bà con đang tìm cách ứng phó với nước mặn để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Nỗ lực tái tạo vườn chôm chôm sau thời gian dài chịu tác động do hạn mặn, đến nay, kinh tế chưa kịp phục hồi người dân lại thêm lo khi dịch dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nông sản khó tiêu thụ. Theo Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Phước, hiện nay, người dân đã thu hoạch khoảng 30% diện tích chôm chôm, diện tích còn lại sẽ thu hoạch dần đến Tết Nguyên đán. Giá chôm chôm những ngày qua có tăng so với thời điểm địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhưng nông dân vẫn chưa có lợi nhuận cao do năm nay giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Cụ thể, vào thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, địa phương áp dụng giãn cách xã hội, chôm chôm rất khó tiêu thụ, giá tụt xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg. Đến nay, việc tiêu thụ dễ dàng hơn nhưng chủ yếu bán nội địa nên giá không cao, dao động từ 13.000-14.000 đồng/kg.

Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép" ảnh 3Vườn chôm chôm của ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước vừa hồi phục sau khi bị nhiễm mặn. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Phước Phạm Minh Phú, cho biết, trước những khó khăn của người dân do ảnh hưởng bởi hạn mặn, địa phương đã đề xuất các ngành hỗ trợ kỹ thuật và tuyên truyền nông dân hạn chế sử dụng phân hữu cơ, tăng cường sử dụng phân vô cơ nhằm tăng khả năng chịu mặn, tăng năng suất đối với cây chôm chôm. Địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên gia cố đê bao, cống bọng, hướng dẫn người dân cách trữ nước, rửa mặn cho các vườn trên địa bàn. Đến nay, diện tích chôm chôm của xã đã khôi phục lại khoảng 80%. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là giá chôm chôm còn bấp bênh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nỗ lực vượt qua "khó khăn kép"

Thích ứng với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, những ngày gần đây, việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn thuận lợi hơn. Tại 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, các nhà vườn tất bật thu hoạch chôm chôm để bán cho thương lái. Người dân đang thích ứng dần với tình hình dịch bệnh trong sinh hoạt và tiêu thụ hàng hóa.

Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long vượt "khó khăn kép" ảnh 4Nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long nỗ lực vượt "khó khăn kép". Ảnh: Thúy Hằng -TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước,l cho biết, thời gian qua, địa phương nỗ lực tạo điều kiện để việc tiêu thụ của bà con được thuận tiện hơn. Các chủ vườn và thương lái chủ động liên hệ với nhau để sắp xếp thu hoạch chôm chôm. Chủ vườn và nhân công đeo khẩu trang khi thu hoạch, hạn chế tập trung quá đông người. Đến nay, việc tiêu thụ đang dần được phục hồi, bà con rất phấn khởi.

Song với việc tập trung thu hoạch, tìm đầu ra cho nông sản, nông dân tích cực chuẩn bị phương án để chủ động ứng phó với tình hình hạn mặn. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn 2015-2016, 2019-2020, hầu như nhà vườn đều tích trữ nước ngọt. Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cho biết, người dân ở đây được hướng dẫn trữ ngọt ngăn mặn nên có ý thức chủ động hơn. Người không có điều kiện sẽ tận dụng nạo vét kênh mương, tích trữ nước. Những người có điều kiện thì mua thêm túi nylon cỡ lớn để làm ao cạn trữ nước tưới khi mặn xâm nhập, không để bị nhiễm mặn như trước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ Võ Trung Sơn, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều vườn chôm chôm bị suy kiệt, hiện đang trong giai đoạn bình phục. Tuy nhiên, vẫn có một số vườn năng suất bị giảm. Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thu mua nông sản tại vườn của thương lái ở mức thấp trong khi đó giá vật tư nông nghiệp có chiều hướng tăng, ảnh hưởng tới lợi nhuận của nông dân. Huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên nắm tình hình, rà soát để kịp thời tháo gỡ. Các ngành thành lập nhóm Zalo kết nối thông tin trực tuyến với công ty, doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ hàng hóa nông sản, qua đó tạo điều kiện để nông dân có kênh thông tin rõ ràng, tiếp cận trực tiếp với thương lái, giúp việc thu mua nông sản diễn ra nhanh, dễ dàng.

Riêng về ứng phó với xâm nhập mặn, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn lập các phương án, tập trung nạo vét kênh rạch, tạo độ sâu để trữ nước ngọt sử dụng, xây dựng đập dã chiến trong trường hợp mặn xâm nhập. Địa phương vận động người dân nạo vét, tạo khu vực trữ nước riêng biệt của từng hộ gia đình, từng mảnh vườn để chủ động hơn trong việc tưới tiêu, phòng trường hợp mặn kéo dài và gay gắt. Đồng thời, huyện kiến nghị ngành chức năng quan tâm đầu tư công trình mang tính dài hạn, đập ngăn mặn quy mô lớn để chủ động ngăn mặn trong các mùa xâm nhập mặn từ nay đến những năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cho biết, với kinh nghiệm ứng phó các đợt mặn gay gắt năm 2015-2016 và 2019-2020, đến nay, người dân trên địa bàn đã chủ động, có nhiều giải pháp thích ứng, đảm bảo sản xuất. Người dân vùng nhiễm mặn cùng chính quyền địa phương tích cực nạo vét kênh mương, nhất là kênh mương nội đồng, nạo vét ao hồ, đắp đập tạm, vận hành công trình thủy lợi, trang bị máy bơm, dụng cụ chứa nước... để chủ động ứng phó trước khi mặn xâm nhập. Một trong những "điểm sáng" là huyện Long Hồ, địa phương đã có giải pháp xây dựng đập tạm (bằng sắt, lưới B40 và bao cát), khi độ mặn tăng thì đắp đập tạm. Khi độ mặn giảm, đảm bảo tưới được cho vườn cây, địa phương tháo dỡ đập tạm, bảo quản để cho mùa sau. Nhờ các đập dã chiến đó, sau năm đầu tiên bị ảnh hưởng nước mặn, đến nay, người dân đã chủ động, hạn chế bị thiệt hại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, để ứng phó hạn mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào sử dụng cống Vũng Liêm thuộc Tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít nhằm ngăn mặn, tiếp ngọt phục vụ sản xuất tại hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Vĩnh Long đầu tư các công trình ngăn mặn, đồng thời triển khai công trình nạo vét kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến cáo người dân trữ nước trong tất cả kênh, rạch, ao hồ để sử dụng trong thời gian nước mặn. Tỉnh khuyến cáo người dân sử dụng giống cây chịu hạn mặn, thông tin nhanh về diễn biến, dự báo hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến ban chỉ đạo các xã để chỉ đạo ứng phó và qua phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân chủ động nắm bắt, tích trữ nước...

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm