Nông dân Trà Vinh sản xuất hiệu quả trên vùng “đất khó”

Nông dân Trà Vinh sản xuất hiệu quả trên vùng “đất khó”
Trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
 Trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Vườn bưởi da xanh trồng xen dừa có diện tích 3,2 ha của gia đình ông Võ Văn Chà, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, trong 5 năm gần đây cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Chà cho biết trước đây, gia đình ông chỉ có 0,7 ha đất trồng lúa bị nhiễm phèn, mặn, nên chỉ sản xuất được 1 vụ trong năm, thu nhập gia đình của ông rất bấp bênh. Theo sự khuyến cáo của địa phương về việc chuyển đổi cây lúa 1 vụ, sang cây trồng khác để tăng thu nhập trên cùng diện tích, ông quyết định cải tạo đất lúa để trồng dừa xen bưởi da xanh; trong đó cây bưởi chiếm 2/3 diện tích. Từ năm thứ 3, bưởi bắt đầu cho trái và cho năng suất khá ổn định đến nay, với khoảng 8 tấn/ha/năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông Chà vươn lên khá giả, có dư tích lũy để mở rộng thêm diện tích vườn bưởi. Theo ông Chà, trồng bưởi  xen canh dừa hiệu quả tăng gấp 10-15 lần so với trồng lúa trước kia. Dừa che bóng mát cho bưởi nên vườn bưởi phát triển rất tốt, trái sai, mọng nước và ngọt. Cùng với đó, giá bưởi da xanh thời gian qua khá ổn định, thường xuyên ở mức 35.000-40.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu chính từ bưởi, gia đình ông còn có thu nhập từ dừa. Từ mô hình sản xuất hiệu quả của ông Chà, UBND xã Lương Hòa đã vận động và hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi Ô Chích A, do ông Chà làm tổ trưởng. Tổ hợp tác trồng bưởi có 43 hộ tham gia, trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP trên tổng diện tích hơn 27 ha chuyên trồng lúa kém hiệu quả trước đây. Từ khi sản xuất được công nhận đạt chuẩn VietGAP, bưởi của tổ hợp tác được nhiều người thương lái và người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tìm mua nhiều hơn. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết, trước kia nhiều vùng đất ở huyện bị mặn xâm nhập nội đồng nên mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, đời sống nông dân rất khó khăn. Để tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã vận động nông dân chuyển đổi hơn 1.648 ha trồng lúa sang trồng màu, cây ăn trái, luân canh lúa màu kết hợp nuôi thủy sản. Trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái, nhất là cây bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế  cao, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn huyện Châu Thành đã có gần 200 ha bưởi da xanh. Không chỉ chuyển sang trồng cây ăn trái đạt hiệu quả, nông dân trồng màu cũng cho thu nhập tăng 4-5 lần so với trồng lúa. Gia đình anh Sơn Hoàng, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú thu nhập chủ yếu từ  2 công đất sản xuất nông nghiệp (1 công = 1.000m2). Nhưng do thường xuyên thiếu nước tưới và nhiễm mặn vào mùa khô nên mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, cuộc sống rất khó khăn. Vài năm trước, anh chuyển sang trồng chuyên canh dưa leo, mỗi năm 3 vụ. Hiện thu nhập gia đình anh khá ổn định, lợi nhuận đạt khoảng 40 triệu đồng/công/năm. Tỉnh Trà Vinh có hơn 186.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, do địa phương thường xuyên bị hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô nên nhiều diện tích sản xuất lúa không hiệu quả. Vì vậy, tỉnh khuyến khích nông dân cơ cấu lại cây trồng để tăng hiệu quả sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu trên cùng một đơn vị canh tác. Qua 5 năm, tỉnh đã chuyển đổi hơn 18.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Đa phần các diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả tăng bình quân 1,5 – 3 lần so với trồng chuyên canh cây lúa. Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản… Trong 2 năm 2017 và 2108, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 46 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp theo Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; trong đó, các địa phương đã giải ngân gần 5 tỷ  hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.222 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, rau màu và trồng cỏ. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt gần 31 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2013.

Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm