Nông dân Mường Lò đa dạng hóa giống lúa chất lượng cao trong sản xuất

Nông dân Mường Lò đa dạng hóa giống lúa chất lượng cao trong sản xuất
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2018. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2018. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Cánh đồng Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở Tây Bắc với diện tích hơn 3.000 ha; trong đó, huyện Văn Chấn 1.500 ha và thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha, mỗi năm cho sản lượng trên 30.000 tấn. Vụ Đông Xuân năm nay dưới sự chỉ đạo sát sao của ngành nông nghiệp và được áp dụng cơ cấu giống hợp lý, cùng sự tập trung chăm sóc của bà con nông dân nên diện tích lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt hơn 60tạ/ha, cao nhất mấy năm trở lại đây. Với chủ trương đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chất lượng cao vào sản xuất lúa hàng hóa, vụ này nông dân Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đã mở rộng cơ cấu giống lúa chất lượng cao và chủ động gieo trồng tập trung trên các chân ruộng. Ngoài giống lúa Séng cù, thì các giống Chiêm Hương, HT1 và Nghi hương 305 cũng được nông dân phát triển mạnh. Hiện lúa Séng cù có giá từ 11- 12.000 đồng/kg, giá lúa thường từ 6- 6.500 đồng/kg, đây là tín hiệu vui cho việc sản xuất lúa hàng hóa của bà con nông dân. Những ngày này, trời nắng khá gay gắt nhưng người nông dân Văn Chấn vẫn tất bật thu hoạch lúa đông xuân. Điển hình như gia đình anh Lò Văn Chung ở thôn Bắc Xổm, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) gieo cấy trên 2 mẫu lúa nước; trong đó, hơn nửa diện tích được gieo cấy bằng giống lúa Séng cù chất lượng cao. Nhờ chủ động gieo cấy đúng khung thời vụ và áp dụng cơ cấu giống lúa hợp lý, ước tính vụ này anh có thể thu gần 5 tấn thóc, cao hơn vụ trước từ 3 đến 5 tạ. Mặc dù vào đầu vụ một số diện tích lúa cấy sớm ở cánh đồng Mường Lò bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại nhưng với việc áp dụng cơ cấu giống hợp lý và chủ động chăm sóc, che chắn, chống rét nên các diện tích lúa đều hồi phục nhanh và sinh trưởng mạnh. Thông qua xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò mà nhân dân 10 xã, phường vùng cánh đồng Mường Lò đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm gạo Séng cù, Chiêm Hương với một số doanh nghiệp. Vì vậy, ngay khi thu hoạch lúa, các doanh nghiệp đã đến tận bờ thu lúa với giá cao. Bên cạnh đó, các diện tích lúa thuần chất lượng cao cũng được áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới tương ứng với từng bộ giống như sử dụng phân bón đa vi lượng, áp dụng quy trình thâm canh sinh học... nên năng suất rất cao. Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, sau việc thử nghiệm mô hình cánh đồng cùng một giống, đến nay việc sản xuất lúa hàng hóa ở cánh đồng Mường Lò đã đạt những hiệu quả nhất định. Việc tăng cường liên kết bốn nhà trong chỉ đạo, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lúa. Trong vụ mùa tới, huyện Văn Chấn tiếp tục xây dựng thương hiệu, uy tín, chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò góp phần duy trì, phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm