Nông dân miền núi Vân Canh phát triển kinh tế từ sản phẩm đặc trưng địa phương

Cơ sở sản xuất trà dung của anh Nguyễn Cảnh Duy (xã Canh Vinh). Ảnh: Tường Quân - TTXVN
Cơ sở sản xuất trà dung của anh Nguyễn Cảnh Duy (xã Canh Vinh). Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ việc hỗ trợ phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đến xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, đời sống người dân ngày càng đi lên, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Nông dân miền núi Vân Canh phát triển kinh tế từ sản phẩm đặc trưng địa phương ảnh 1Sản phẩm trà dung hiện đạt chuẩn OCOP 3 sao, xuất bán từ 300-500 kg/ngày, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Năm 2013, nhận thấy tiềm năng về sản phẩm trà làm từ cây chè dung tại địa phương, anh Nguyễn Cảnh Duy, xã Canh Vinh đã thành lập nhà xưởng chế biến trà dung mang thương hiệu riêng của mình. Anh Duy được UBND huyện hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc sản xuất.

Đến năm 2019, sản phẩm trà dung của cơ sở anh Duy được chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hạng 3 sao và là mô hình tiêu biểu của địa phương trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế. Hiện trà dung với 4 dòng sản phẩm, đã được xuất bán từ 300-500 kg/ngày. Cơ sở của anh Duy đã thu hút gần 10 lao động thực hiện khâu chế biến và một số người dân thu hái nguyên liệu.

Anh Duy cho biết, để có nguồn nguyên liệu ban đầu, cơ sở của anh hợp đồng với các hộ dân tộc thiểu số để hái nguyên liệu chè dung trên rừng. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày các hộ thu hái gần 1 tấn chè dung. Vì thế, cơ sở của anh được đảm bảo về nguồn nguyên liệu, người dân cũng có thêm thu nhập.

Nông dân miền núi Vân Canh phát triển kinh tế từ sản phẩm đặc trưng địa phương ảnh 2Cơ sở sản xuất trà dung của anh Nguyễn Cảnh Duy (xã Canh Vinh). Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Anh Đinh Văn Nghiên, xã Canh Liên, huyện Vân Canh cho biết, gia đình anh tham gia hái chè dung cho cơ sở anh Duy được gần 2 năm nay. Thời gian hái trong khoảng 6 tháng mùa nắng và mỗi ngày trung bình hái được từ 1-2 tạ chè. Với giá 5.000 đồng/kg chè tươi, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Trong khi đó, với quỹ đất vườn đồi khá lớn, những năm qua, huyện Vân Canh đã khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi lợn đen, một giống lợn đặc trưng của vùng cao tại địa phương. Lợn được nuôi theo quy trình sạch, thả trên vườn đồi nên được đánh giá là thịt thơm ngon nhưng giá thành cao hơn hẳn so với lợn nuôi công nghiệp. Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Anh Đoàn Ngọc Châu, thị trấn Vân Canh cho biết, gia đình anh triển khai mô hình nuôi lợn đen được hơn 10 năm. Mỗi năm xuất bán trên 10 con, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng.

Nông dân miền núi Vân Canh phát triển kinh tế từ sản phẩm đặc trưng địa phương ảnh 3 Với quỹ đất vườn đồi khá lớn, huyện Vân Canh khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi heo đen, cho thu nhập cao, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

“Nuôi lợn đen chỉ cho ăn rau có sẵn trong vườn nên chi phí nuôi thấp. Thịt lợn cũng được ưa chuộng trên thị trường nên luôn có giá cao”, anh Châu cho biết.

Theo báo cáo từ UBND huyện Vân Canh, hiện có gần 600 hộ dân trên địa bàn nuôi lợn đen. Mỗi hộ nuôi với số lượng không nhiều từ 10-15 con/lứa nhưng đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể, lợn lại ít dịch bệnh, giúp cho người đồng bào vùng cao có nguồn thu nhập ổn định. Việc phát triển thương hiệu thịt lợn đen vùng cao cũng đang được địa phương từng bước xây dựng.

Đây là hai mô hình phát triển kinh tế tận dụng nguồn con giống, nguyên liệu tại chỗ mà huyện Vân Canh tập trung hướng dẫn người dân đầu tư phát triển. Từ đó, tạo nên các sản phẩm mang tính đặc trưng địa phương. Cùng với việc tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm, người dân có thị trường vững chắc nên yên tâm sản xuất, vừa có thu nhập cho bản thân vừa tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Sau khi xã Canh Vinh về đích nông thôn mới vào đầu năm 2021 với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đạt khá cao, trên 42 triệu đồng/năm, huyện Vân Canh tiếp tục xây dựng hai xã Canh Thuận và Canh Hiển đạt chuẩn vào năm 2022.

Đây đều là những huyện miền núi còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng nhưng nhờ tập trung phát triển các mô hình kinh tế đặc trưng nên tiêu chí thu nhập của người dân được nâng cao. Từ đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi, phát triển sản phẩm có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các mô hình phát triển hiệu quả.

“Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh, huyện Vân Canh thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân trên địa bàn. Cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa, huyện phấn đấu xây dựng các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng kế hoạch đã đề ra”, ông Cường nói.

Việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cũng như sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ được UBND huyện Vân Canh khuyến khích phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm