Nông dân Kiên Giang khá lên dưới tán rừng phòng hộ

Nông dân Kiên Giang khá lên dưới tán rừng phòng hộ
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Gian đã khôi phục phát triển rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Gian đã khôi phục phát triển rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Thực hiện theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 28/7/2011 của UBND tỉnh Kiên Giang về trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển với mô hình 7/3 (70% diện tích đất giao khoán phải trồng rừng, 30% còn lại được phép sử dụng nuôi trồng thủy sản), từ đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho các hộ nhận khoán, từng bước nâng cao đời sống của người dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biền. Hiện nay, rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh chạy dài từ xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh có chiều dài khoảng 61 km, với diện tích trên 4.000 ha qua 10 xã ven biển. Rừng phòng hộ ven biển nơi đây gồm có 2 đai rừng chính và phụ. Đai rừng phụ chủ yếu là cây đước với gần 3.000 ha, đã giao khoán cho các tổ chức và 866 hộ gia đình. Đai rừng chính có trên 1.100 ha, chủ yếu là rừng cây mắm, gồm rừng tự nhiên 654 ha giao cho cá nhân và tổ chức quản lý bảo vệ rừng nhận khoán bảo vệ hàng năm, còn lại 198 ha là rừng trồng qua các năm và 278 ha hiện là bãi bồi có khả năng trồng rừng. Hầu hết người dân sống ven rừng phòng hộ ven biển đều ý thức được tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển gắn với cuộc sống của họ, nên việc bảo vệ rừng luôn được thực hiện khá tốt. An Biên có 4 xã ven biển, chiếm 48,47% diện tích tự nhiên của huyện; có bờ biển dài 21 km nằm dọc theo tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 1.000 ha; có trên 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú; dưới tán rừng đước là các trảng nước và con kênh thích hợp cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Theo ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, hơn 20 năm trước khi nhận đất rừng, các chủ rừng đều mưu sinh chủ yếu từ nguồn thủy hải sản tự nhiên, nhưng tôm cá rồi cũng giảm dần, đời sống các chủ rừng ngày khó khăn nên cây rừng cũng bị tàn phá. Để giữ rừng, đồng thời giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, UBND tỉnh Kiên Giang cho phép các chủ rừng được sử dụng 30% diện tích đất nhận khoán chưa có rừng để kết hợp nuôi trồng thủy sản và hoa màu. Đồng thời, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng tích cực hỗ trợ cả về vốn và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng nhằm giúp cho các chủ rừng tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Dồi, ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết, sau khi nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biển vào năm 1992, ông được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang hướng dẫn sản xuất theo mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết - nuôi cá bống mú. Với chủ trương đúng đắn và được sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư nông nghiệp đã giúp gia đình ông Dồi trả được vốn vay ngân hàng, xóa được nghèo và nay vươn lên khả giả. Hiện nay, mô hình của gia đình ông Dồi đang được nhân rộng tại địa phương. Năm 1992, gia đình ông Lê Minh Kháng, ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, nhận khoáng 8 ha đất rừng phòng hộ ven biển xã Nam Thái để canh tác với diện tích 70% trồng rừng (cây mắm, cây đước), còn lại diện tích mặt nước 30% nuôi tôm sú, cua, cá… đã thoát được nghèo. Ngoài việc nuôi tôm, cua, cá dưới ao, trên bờ ông Kháng nuôi thêm ba khía. Theo ông Lê Minh Kháng, ba khía là loại dễ nuôi, cứ thả vào trong khu vực khoanh nuôi, chúng tự đào hang ở hay leo lên cây, tối bò xuống đất. Sau hơn 6 tháng thả nuôi, ba khía thích ứng được với vùng đất nên tỷ lệ sống rất cao, lớn nhanh, trung bình từ 20 - 30 con/kg và được thương lái mua tại nhà với giá 50.000 đồng/kg. Trung bình, với 1 ha thả nuôi 250 kg con giống trong 6 tháng sẽ thu về khoảng 60 triệu đồng. Ông Lê Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh cho biết, trên địa bàn huyện có 721 hộ nhận khoán 2.226 ha đất rừng ven biển. Mỗi hộ trung bình nhận khoán từ 1 -7 ha; trong đó người dân nhận khoán được sử dụng diện tích 30% mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Vùng nuôi hải sản dưới tán rừng phòng hộ của huyện An Minh diện tích thả nuôi 3.184 ha; trong đó 1.499 ha tôm sú, 1.285 ha cua, 400 ha sò huyết. Tổng diện tích thu hoạch chính vụ hàng năm khoảng 3.098 ha, tổng sản lượng 938 tấn.  Bên cạnh đó, An Minh còn khoanh nuôi vùng bãi bồi ven biển 6.300 ha. Chủ yếu là đối tượng hến, nghêu lụa, sò huyết, vẹm xanh. Tổng diện tích thu hoạch 5.920 ha, sản lượng hàng năm trên 10.000 tấn. Theo ông Lê Ngọc Tùng, nuôi các loài hải sản dưới tàn rừng phòng hộ ngoài việc cho thu nhập khá, nông dân còn giữ được rừng. Nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng tại huyện An Minh phát triển từ năm 2005, các hộ dân nuôi sò huyết dưới tán rừng lãi từ 70 - 160 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết, từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, đặc biệt mô hình nuôi hải sản dưới tán rừng phòng hộ và sò huyết trên mặt nước bãi bồi ven biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở các xã Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A. Không những vậy, người dân ở đây có công ăn việc làm nhiều hơn. Một hộ nuôi, giúp cho khoảng 5 -7 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn một lực lượng lớn lao động khi đến mùa vụ cào sò giống về bán lại cho các hộ nuôi sò huyết. Nếu trước đây, từ cầu, đường đi lại khó khăn đến nhà cửa xiêu vẹo thì từ khi thưc hiện phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi hải sản dưới tán rừng phòng hộ và sò huyết bãi bồi ven biển, người dân khấm khá hơn, xây được nhà khang trang, đóng góp tiền làm cầu, đường mở hướng giao thương mua bán. Để đảm bảo quyền lợi cho người nhận đất rừng phòng hộ ven biển để khai thác, các cấp chính quyền huyện An Biên và An Minh đã triển khai, thực hiện các chính sách về trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng đất từng phòng hộ ven biển đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong vùng dự án, thúc đẩy trồng rừng nuôi thủy sản phát triển. Không những vậy, việc phát triển các mô hình kinh tế với hình thức nuôi hải sản dưới tán rừng phòng hộ và sò huyết bãi bồi ven biển ở các xã ven biển huyện An Biên, An Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu là một hướng đi đúng đắn. Qua đó, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven biển trong tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

Lê Sen

Có thể bạn quan tâm