Nông dân Hà Nội tích cực tham gia Chương trình OCOP

Để phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về những giá trị từ Chương trình OCOP mang lại…

Nong dan Ha Noi tich cuc tham gia Chuong trinh OCOP hinh anh 1Nông dân Thủ đô tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Để thực hiện Chương trình OCOP, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tích cực vào cuộc, triển khai sâu rộng chương trình đến các cấp hội cơ sở và hội viên nông dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung Chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân, thông qua sinh hoạt chi hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành phố Hà Nội.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành đánh giá, phân hạng được 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó các chủ thể tham gia chương trình chiếm số lượng đông đảo là hội viên nông dân. Cơ sở sản xuất giò chả sạch Hợi Thương, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có 6 sản phẩm gồm chả sụn, giò lụa, giò tai, xúc xích, chả hạt lựu, giò xào tai lưỡi đã được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Anh Nguyễn Doãn Hợi, chủ cơ sở cho biết, các sản phẩm OCOP của cơ sở được trưng bày và bán tại các hội chợ được khách tham quan đánh giá cao, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; trong đó tập trung hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP. Hội còn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các hội viên, thành viên hợp tác xã, câu lạc bộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP góp phần nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên nông dân. Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) tăng thêm lợi nhuận mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp nông dân khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Ân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn chia sẻ, nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, các cấp Hội đã tích cực triển khai, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến xây dựng mẫu mã, thương hiệu và quảng bá, giới thiệu giúp hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm, từ đó hội viên, nông dân đã thực sự vào cuộc, chủ động, tích cực và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP; từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ phương thức truyền thống sang phương thức mới, bắt nhịp kịp thời với xu thế; nâng độ phủ sóng của sản phẩm OCOP địa phương ra các thị trường lớn hơn; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đột phá, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng... để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP. Đồng thời, tạo các hình thức thuận lợi phù hợp để đưa liên kết "6 nhà" tham gia hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. Tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thiện Tâm

Tin liên quan

Đời sống nông dân Hà Nội hôm nay không ngừng nâng cao

Những năm vừa qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội rất quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người nông dân. Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng…


Lãnh đạo thành phố Hà Nội xuống đồng cấy lúa

Sáng 19/02, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thăm, làm việc tại huyện Thạch Thất, động viên bà con nông dân triển khai vụ Xuân năm 2021…


“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - công đầu thuộc về những người nông dân Hà Nội…”

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là đích đến mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là đơn vị tiêu biểu của Hà Nội trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết “5 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà phân phối và người tiêu dùng)…



Đề xuất