Nông dân Cù Lao Dung có thu nhập cao từ trồng nhãn Ido

Nông dân Cù Lao Dung có thu nhập cao từ trồng nhãn Ido
Tại huyện Cù Lao Dung, nơi trước đây bà con chủ yếu canh tác mía với diện tích có năm lên tới 8-9 ngàn ha nhưng hiệu quả việc trồng mía vài năm qua cứ giảm dần, riêng năm nay, giá mía rất thấp, bán tại ruộng mà người dân chỉ thu được hơn nửa giá thành sản xuất, tính ra, mỗi ha trồng mía, người dân lỗ từ 15 - 30 triệu đồng.

Ngoài cây mía thì nông dân huyện Cù Lao Dung cũng trồng một số loại cây trồng khác, tuy nhiên, bước đầu cho hiệu quả cao thì loại nhãn Ido (giống Thái lan) đang là cây trồng có hiệu quả cao hơn cả.

Anh Trần Văn Phục thu hoạch nhãn Ido. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Anh Trần Văn Phục thu hoạch nhãn Ido. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Anh Trần Văn Phục, ở ấp Bình Du B, xã An Thạnh Nhì (huyện Cù Lao Dung), những năm trước cũng trồng vài ha mía nhưng không có hiệu quả, anh bỏ mía trồng nhãn da bò, giá cả loại nhãn này thường bấp bênh và dễ bị bệnh sâu hại như bệnh chổi rồng, sâu đục trái… nên anh đã chuyển 3 ha từ trồng nhãn da bò sang trồng nhãn Ido (giống Thái), đến năm nay là năm thứ 3 và vườn nhãn của anh đang chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu hứa hẹn bội thu vì năng suất ước tính cao gấp đôi so với trồng nhãn da bò, trong khi giá cả ở thời điểm hiện tại gấp 3 lần, ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo loại.

Hiện vườn nhãn của anh đang được thu hoạch vụ đầu, hơn nửa tháng nay anh đã thu được gần chục tấn trái. Nhãn được thương lái tới tận vườn thu mua với mức giá từ 25.000-27.000 đồng/kg nên anh đang hy vọng khi thu hết vườn nhãn dự kiến sẽ có thu nhập khá cao.

Theo anh Phục, nhờ tham gia vào hợp tác xã An Phú Hưng được mấy năm nay, hiện tại, hợp tác xã có 32 hộ thành viên, trồng 50 ha nhãn da bò và 30 ha trồng nhãn Ido, do hiệu quả nhãn Ido cao, giá cả ổn định không năm nào dưới 20.000 đồng/kg, có năm tới 40.000 đồng/kg nên nhiều hộ xã viên tới đây sẽ chuyển sang trồng nhãn Ido.

Nhãn Ido được trồng theo tiêu chuẩn VietGap cho năng suất cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Nhãn Ido được trồng theo tiêu chuẩn VietGap cho năng suất cao.
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Để có những quả nhãn sạch, an toàn thực phẩm theo quy trình của Hợp tác xã đưa ra, quy trình trồng nhãn Ido gần như tự động hết từ khâu tưới nước với hệ thống đường ống dẫn nước, trộn phân vi sinh được tự động hòa trong hồ nước và phun qua hệ thống tự động trực tiếp vào khu vực gốc cây hàng ngày. Việc tiêu thụ trái cũng rất tốt do thị trường xuất khẩu nhãn này luôn cung chưa đủ cầu.

Do trồng nhãn Ido có lợi nhuận cao nên hiện nhiều người dân Cù Lao Dung đang giảm dần diện tích mía để thay thế bằng cây nhãn giống mới này hoặc một số cây trồng khác như rau, màu, xoài, đậu... có thu nhập cao hơn so với cây mía.
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm