Nỗi lo mai một nghề "nắn giọng" cho chiêng

Nỗi lo mai một nghề "nắn giọng" cho chiêng
Nghệ thuật chỉnh chiêng
Đến xã Ia Ka (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) tìm hỏi người chỉnh chiêng, người dân chỉ tay về căn nhà sàn gỗ cũ kỹ của nghệ nhân Rơ Chăm Uek (91 tuổi, làng Ngó, xã Ia Ka) rồi nói lớn: “Già ấy chỉnh chiêng khét tiếng. Có chiêng hỏng thì mang đến già Uek chỉnh cho chứ để lâu lỡ già mất thì sẽ rất khó tìm được người chỉnh”. Có mặt tại nhà già Uek, lúc này người nghệ nhân già đang đang thu dọn các vật dụng chỉnh chiêng cất vào kho. Vật dụng chỉnh chiêng gồm những thanh sắt, dùi cui và đế gỗ...
Theo già Uek, già biết đánh chiêng hồi còn bé, nhưng mãi đến năm 30 tuổi thì mới biết chỉnh chiêng. Trong suốt cuộc đời của mình, già tham gia chỉnh khoảng 1.000 bộ chiêng cho người dân  khắp nơi. Những bộ chiêng người dân mang đến sửa chủ yếu bị nứt, móp, làm bể, dẫn đến hư tiếng. Tất cả khi được già “nắn giọng” thì thành chiêng chuẩn, âm vang rền. 
“Để chỉnh được chiêng, đầu tiên phải biết đánh chiêng thành thạo. Thứ hai, đôi tai phải thính để nghe được tiếng chiêng để nghe ra âm nào bị lạc mà chỉnh. Nhưng ở cái tuổi của tôi, đôi tai giờ không còn thính, tay bắt đầu run nên nhiều lúc chỉnh chiêng không chuẩn như hồi trẻ. Với cái đà này, khoảng một hoặc hai năm nữa, tôi sẽ không thể chỉnh chiêng được nữa”-già Uek tâm sự.
Ông Rơ Châm Gúk chỉnh chiêng cho khách. Ảnh: T.A
Ông Rơ Châm Gúk chỉnh chiêng cho khách. Ảnh: T.A
Ngoài nghệ nhân Uek, tại xã Ia Ka, một người chỉnh chiêng khác còn trẻ và tài năng, được nhiều người khen ngợi không kém chính là ông Rơ Châm Gúk (45 tuổi, làng Mnông Yố 2). Nói về nghề chỉnh chiêng, ông Gúk kể ông gọi nghề này là nghề “nắn giọng” cho chiêng, bởi chiêng bị hư thì tiếng cũng bị lỗi. Việc chỉnh chiêng là làm  sao để phục hồi âm chuẩn của chiêng. 
Nói rồi, ông Gúk cầm 2 chiếc chiêng đang cất giữ một góc, trong đó có 1 chiêng chuẩn và chiếc còn lại bị hỏng rồi đánh cho khách nghe. Khi hai tiếng chiêng vang lên, ông quay sang hỏi khách thông qua tiếng chiêng vừa đánh thì có nhận ra chiếc chiêng nào bị hỏng không?. Thấy khách đắn đo, ông Gúk cầm chiếc chiêng nhỏ bị móp 1 góc rồi đưa lên trước mặt và nói: “Chiêng này bị móp nên tiếng bị rè, đánh không vang như chiêng chuẩn”.
Bộ đồ nghề chỉnh chiêng của ông Rơ Châm Gúk. Ảnh: T.A
Bộ đồ nghề chỉnh chiêng của ông Rơ Châm Gúk. Ảnh: T.A
Tiếp đó, ông Gúk cũng lôi đồ nghề ra để “nắn giọng” cho chiêng. Ông kê chiêng hỏng lên cục gỗ và dùng thanh sắt gõ liên tục lên  thành chiêng. Gõ xong, ông dùng dùi đánh chiêng để cảm nhận tiếng chiêng, rồi tiếp tục dùng thanh sắt tác động để điều chỉnh âm chiêng. Cứ như thế, ông mất 30 phút mới chỉnh xong chiêng, lấy lại âm chuẩn cho chiêng.  
Cũng theo ông Gúk, nhiều năm trước, số lượng người chỉnh chiêng ở làng rất nhiều nhưng do họ lần lượt già rồi chết nên hiện chỉ có 1 mình ông biết sửa. 
Theo ông Ksor Sum - Chủ tịch UBND xã Ia Ka, địa bàn xã có 4 người biết chỉnh chiêng, trong đó có 2 người được công nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng.  Trong khi đó, toàn tỉnh hiện chỉ có 6 người được công nhận nghệ nhân chỉnh chiêng, số người biết chỉnh chiêng thì hiện chưa thống kê được. 
Nỗi lo mai một
Ông Ksor Sum-Chủ tịch UBND xã Ia Ka cho biết, hiện nay, những người biết chỉnh chiêng đã có tuổi, trong khi lớp trẻ không có ai đam mê và cũng không học chỉnh chiêng nên sợ khi những người biết chỉnh chiêng chết đi, trên địa bàn sẽ không còn ai biết chỉnh chiêng nữa. Dần dà, những bộ chiêng sẽ bị hỏng và phải cất vào kho, không thể song hành cùng dân trong các lễ hội, ma chay, cưới hỏi. “Địa phương mong muốn các cấp chính quyền, ban ngành tạo điều kiện mở các lớp dạy chỉnh chiêng cho lớp trẻ để sau này có người tiếp nối nghề thiêng liêng, cao quý này”-ông Sum nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Quới-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah,cho biết, chỉnh chiêng rất khó và không hề có công thức. Người chỉnh chiêng họ nghe quen tai rồi tự người ta điều chỉnh âm thanh. Cũng vì không có công thức nên việc học chỉnh chiêng rất khó và không phải ai cũng học được. Nếu các nghệ nhân này chết đi thì nguy cơ mai một nghề cao quý này là rất lớn. 
Nghệ nhân Rơ Chăm Úek lo sợ một ngày nghề chỉnh chiêng sẽ bị thất truyền. Ảnh: T.A
Nghệ nhân Rơ Chăm Úek lo sợ một ngày nghề chỉnh chiêng sẽ bị thất truyền. Ảnh: T.A
Nghệ nhân Rơ Chăm Uek (91 tuổi, làng Ngó), cho biết: “Tôi đã từng xuống làng vận động lớp trẻ học chỉnh chiêng nhưng chưa có ai tham gia. Sắp tới tôi tiếp tục vận động. Ai có nhu cầu học chỉnh chiêng, tôi sẽ dạy miễn phí”. 
Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Gia Lai, cho biết: “Ngành văn hóa nhiều lần tập huấn, bồi dưỡng cho những nghệ  nhân chỉnh chiêng.  Ngoài ra tổ chức các cuộc thi chỉnh chiêng cho các nghệ nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau. Riêng tại Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh cũng có đề tài khoa học cấp tỉnh đưa chỉnh chiêng vào nhà trường để phục vụ cho giảng dạy. Đối với người đánh chiêng giỏi, nhà nước quan tâm, công nhận nghệ nhân. Những người được công nhận nghệ nhân thì được hỗ trợ 1 lần, cũng như được hưởng 1 số chính sách xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới...”
Theo baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm