Nỗ lực lưu truyền tiếng cồng chiêng của người Ê Đê

Nỗ lực lưu truyền tiếng cồng chiêng của người Ê Đê
Y Thim trong lễ hội cồng chiêng. Nguồn ảnh: internet
Y Thim trong lễ hội cồng chiêng. Nguồn ảnh: internet

Đam mê nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, lớn lên Y’ Thim Byă quyết định gắn cuộc đời mình với văn hóa dân tộc khi chọn học tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Vừa học nhạc cụ dân tộc tại trường, vừa tìm hiểu cách chơi nhạc cụ của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, Y’ Thim Byă trở thành người am hiểu các loại nhạc cụ, đặc biệt là diễn tấu cồng chiêng.

Để thỏa niềm say mê cồng chiêng, Y’ Thim Byă đã bỏ công tìm kiếm, thu thập nhiều bộ chiêng trong bà con, có những bộ chiêng anh phải đổi nhiều trâu, bò mới được. Tuy nhiên, điều làm anh trăn trở nhất vẫn là việc làm sao để tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên mãi về sau. Y’ Thim Byă chia sẻ, thế hệ anh sinh ra và lớn lên trong tiếng đàn T’ Rưng, tiếng thổi Đing năm, tiếng cồng chiêng của buôn làng, nhưng bây giờ thế hệ trẻ trong buôn tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc hiện đại, ít người say mê với nhạc cụ dân tộc. Do đó, để lưu truyền văn hóa cồng chiêng trong thế hệ con cháu cần một người đứng ra truyền lửa và đào tạo các em.

Theo đó, năm 2003 Y’ Thim Byă kêu gọi những người biết đánh cồng chiêng trong buôn và vận động thành lập đội chiêng của buôn. Đến nay, đội chiêng của buôn Ea Bông đã hơn 20 người, trong đó thành viên lớn tuổi nhất là ngoài 70 tuổi, nhỏ tuổi nhất là con trai út của Y’ Thim Byă hiện đang học lớp 11.

Ban nhạc gia đình Y Thim biểu diễn phục vụ khách tham quan trong ngôi nhà dài. Nguồn ảnh: internet
Ban nhạc gia đình Y Thim biểu diễn phục vụ khách tham quan trong ngôi nhà dài. Nguồn ảnh: internet

Khởi đầu là những buổi sinh hoạt cồng chiêng để thỏa niềm đam mê và ước muốn lưu giữ văn hóa dân tộc, đội chiêng của buôn Ea Bông đã dần khẳng định âm vang của mình trên những sân khấu lớn, trong các ngày lễ, ngày hội văn hóa của Tây Nguyên.

Nhớ lại lần đầu được mời tham gia biểu diễn tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Y’ Thim Byă không khỏi hồi hộp, lo lắng, anh cho biết: Khi sinh hoạt cồng chiêng tại buôn, các thành viên trong đội chỉ ngồi tại chỗ đánh chiêng. Do đó, để chuẩn bị cho buổi biểu diễn, Y’ Thim Byă phải tập lại cho các thành viên cách cầm chiêng, cầm rùi, cách di chuyển trên sân khấu… tái hiện đúng màn trình diễn cồng chiêng của người Ê Đê. Ngoài ra, Thim Byă còn bỏ tiền ra mua toàn bộ trang phục cho các thành viên trong lần biểu diễn đầu tiên.

Chiêng và ché quý trong nhà dài của Y Thim. Nguồn ảnh: internet
Chiêng và ché quý trong nhà dài của Y Thim. Nguồn ảnh: internet

Đội chiêng do Y’ Thim Byă sáng lập ngày càng thu hút nhiều thanh niên trong buôn tham gia. Bà con buôn Ea Bông giờ đây rất tự hào vì tiếng chiêng của dân tộc mình được nhiều người biết đến, nhiều gia đình còn chủ động xin cho con em tham gia sinh hoạt cồng chiêng tại nhà Y’ Thim Byă. Điều này là động lực để Y’ Thim Byă và những thành viên của đội chiêng cố gắng duy trì hoạt động, giữ gìn văn hóa dân tộc.

Để có thêm những hạt nhân giúp lưu giữ tiếng cồng chiêng, Y’ Thim Byă đang nung nấu ý định thành lập một đội chiêng nhí của buôn Ea Bông, bao gồm các em từ 10 – 15 tuổi. Ngoài ra, Y’ Thim Byă còn sưu tầm nhiều cổ vật của các dân tộc Tây Nguyên. Hiện Y’ Thim Byă đã sưu tập được gần 40 bộ chiêng của hầu hết các dân tộc Tây Nguyên và 30 chiếc trống cổ, nhiều ché cổ, nhạc cụ dân tộc của Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm