Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 để sớm trở lại trạng thái "bình thường mới"

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục siết chặt kiểm tra việc đi lại của người dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Hướng -TTXVN
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục siết chặt kiểm tra việc đi lại của người dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Hướng -TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18 giờ ngày 15/8 đến 18 giờ ngày 16/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca mắc mới, trong đó có 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca trong nước.

Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 để sớm trở lại trạng thái "bình thường mới" ảnh 1Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục siết chặt kiểm tra việc đi lại của người dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Hướng -TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số mắc cao nhất nước (3.341 ca), tiếp đó là Bình Dương (2.522 ca), Long An (599 ca), Đồng Nai (588 ca), Khánh Hòa (262 ca), Đồng Tháp (158 ca), Tiền Giang (152 ca), Vĩnh Long (131 ca), Đà Nẵng (96 ca), An Giang (87 ca), Cần Thơ (86 ca), Sóc Trăng (75 ca), Trà Vinh (71 ca), Phú Yên (62 ca), Thừa Thiên Huế (60 ca), Tây Ninh (52 ca), Hà Nội (50 ca), Bình Thuận (33 ca), Kiên Giang (32 ca), Ninh Thuận (27 ca), Gia Lai (25 ca), Nghệ An (24 ca), Hà Tĩnh (17 ca), Đắk Lắk, Quảng Nam, Bắc Ninh (mỗi địa phương 11 ca), Lâm Đồng (8 ca), Thanh Hóa, Nam Định, Hậu Giang, Bình Phước (mỗi địa phương 6 ca), Lạng Sơn, Cà Mau, Quảng Ngãi (mỗi địa phương 4 ca), Ninh Bình, Bình Định (mỗi địa phương 3 ca), Lào Cai, Quảng Bình, Sơn La, Bạc Liêu (mỗi địa phương 2 ca), Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên (mỗi địa phương 1 ca); trong đó có 2.422 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; về số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 16/8, cả nước có 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 106.977 ca.

Ngày 16/8, Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo, Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 368 ca tử vong ở các địa phương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (315 ca), Bình Dương (29 ca), Long An (8 ca), Tiền Giang (4 ca), Hà Nội (2 ca), Bình Định, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hưng Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế (mỗi địa phương 1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Phải thống nhất việc tổ chức đưa, đón người dân từ vùng dịch về quê

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 16/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đưa đón người dân từ vùng dịch trở về quê, đặc biệt phải chú ý ưu tiên đón những phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong việc tổ chức đưa đón người dân từ vùng dịch trở về quê. Đặc biệt, phải chú ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

Hiện tại, một số địa phương tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến đời sống một nhân dân đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất rằng các tỉnh, thành phố này phải triển khai các gói hỗ trợ thực chất theo quy định của Trung ương cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện từ cộng đồng, đảm bảo mọi người dân không bị đói, bị thiếu chỗ ở, tất cả đều nhận được sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu...

Ngày 16/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu, đã đến kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế thiết lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Qua kiểm tra thực tiễn, lắng nghe báo cáo từ lãnh đạo các trung tâm này, đặc biệt, trước những báo cáo về thực trạng thiếu máy thở, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc giãn cơ của các trung tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các đơn vị của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc cho các trung tâm để các thầy thuốc có "vũ khí" đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất. Về đề xuất có thêm nguồn nhân lực chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao cho Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay nhân lực vào các Trung tâm này.

Ngay trong chiều 16/8, đã có 50.000 lọ thuốc giãn cơ được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai.

Tập trung nguồn lực chăm sóc bệnh nhân COVID-19

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), hiện số người mắc COVID-19 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 41.209, trong đó 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 ca F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số ca F0 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.357. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.656.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm điều trị cho người mắc COVID-19 tại nhà với túi thuốc an sinh theo sự cho phép của Bộ Y tế. Mục tiêu của thành phố là điều trị người mắc COVID-19 hiệu quả, qua đó giảm thiểu áp lực cho ngành y tế, tập trung nguồn lực điều trị ca bệnh nặng và rất nặng. Đây là nội dung được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đưa ra tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại thành phố vào trưa 16/8.

Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19 được áp dụng đồng thời tới các bệnh viện điều trị COVID-19, khu cách ly, khu vực phong tỏa. Cụ thể, gói chăm sóc này gồm 6 hoạt động chính: xác định, lập danh sách trường hợp F0 trên địa bàn; hướng dẫn những người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám bệnh, theo dõi sức khỏe cho các ca F0; hướng dẫn F0 áp dụng 3 bước điều trị; xét nghiệm cho các ca F0; tư vấn sức khỏe, hỗ trợ cấp cứu F0 kịp thời.

Về năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, thời điểm trước đây, thành phố phân ra 5 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên, hiện tại thành phố chuyển đổi về còn 3 tầng. Với 3 tầng điều trị, thành phố sẽ bố trí các bệnh nhân COVID-19 theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Việc chuyển đổi sẽ giúp thành phố tập trung nguồn lực về y tế, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân một cách phù hợp tại các tầng.

Tại Hội nghị triển khai, quán triệt kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ tối 16/8, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Những ngày qua, số người mắc COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố chiếm 53% so với tổng số ca mắc, trong khu phong tỏa chỉ chiếm 41%. Trước đây, tỉ lệ người mắc COVID-19 trong các khu phong tỏa chiếm khoảng 80%.

Nhằm hạn chế số ca nhiễm trong cộng đồng, độ bao phủ vaccine đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tăng tốc độ tiêm chủng vaccine, hạ quyết tâm chống dịch; tranh thủ từng giờ, từng phút để thành phố sớm quay lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt mục tiêu đến ngày 15/9, đảm bảo hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.

Tích cực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vaccine phòng COVID-19

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác), chiều 16/8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác, đã chủ trì cuộc họp đầu tiên với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; Văn phòng Chính phủ.

Cuộc họp tập trung đánh giá, rà soát những kết quả tích cực bước đầu đạt được trong triển khai công tác ngoại giao vaccine thời gian qua; trao đổi, thống nhất các biện pháp phối hợp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao vaccine thời gian tới nhằm mục tiêu tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó là thống nhất cơ chế làm việc, phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác để thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao là vận động viện trợ, thúc đẩy, thẩm tra, đôn đốc, hỗ trợ nhập khẩu vaccine, thuốc, thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Tại Quyết định số 1404/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng 8,807 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất. Vaccine COVIVAC được IVAC bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020.

Giai đoạn 1, vaccine COVIVAC được đánh giá an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch trên tất cả các liều thử nghiệm. Vaccine COVIVAC bắt đầu chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) với cỡ mẫu là 375 người tình nguyện. Đây là vaccine phòng COVID-19 "made in Vietnam" (nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam) thứ hai tại nước ta được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng, sau NanoCovax của Công ty Nanogen.

Trong ngày 16/8, Bộ Y tế thông tin cho biết đã nhận được đề nghị của một số tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần Y sinh học dược Nanogen nghiên cứu phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, về chủ trương, Bộ Y tế ủng hộ việc mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax.

Tuy nhiên, việc mở rộng địa bàn nghiên cứu cần đảm bảo an toàn, khoa học, khả thi, tuân thủ đạo đức nghiên cứu, hồ sơ nghiên cứu phải được nhóm nghiên cứu xây dựng và đệ trình Bộ Y tế phê duyệt sau khi được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định và chấp thuận. Bộ Y tế nhấn mạnh tới việc cấm sử dụng vaccine đang trong quá trình thử nghiệm cho mục đích sử dụng thí điểm hoặc mục đích thương mại.

Trên cơ sở đề xuất của một số địa phương, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị gửi các cơ quan chủ trì nghiên cứu (Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà sản xuất (Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen).

Các đơn vị này trả lời như sau: Cơ quan chủ trì nghiên cứu, tiếp tục triển khai theo đúng đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt, không mở rộng thêm địa điểm triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nanocovax để đảm bảo tiến độ báo cáo giữa kỳ và hoàn tất nghiên cứu so với kế hoạch được duyệt.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm