Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu

Thời gian qua, nhiều phụ nữ ở tỉnh biên giới Lai Châu thay vì tìm đến các cơ sở y tế để sinh đẻ thì lại lựa chọn hình thức sinh con tại nhà. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí gây nên những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Đặc biệt hiện nay, tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu ảnh 1Cán bộ Trạm Y tế xã Dà Sề Phìn ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) tuyên truyền người dân đến trạm y tế khi sinh nở và hướng dẫn chăm sóc trẻ. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Những hệ lụy để lại

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn khá cao. Năm 2021, toàn tỉnh có 2.961 trường hợp đẻ tại nhà trong tổng số 8.672 ca đẻ, chiếm 34,14%. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.384 trường hợp đẻ tại nhà trong tổng số 3.805 ca đẻ, chiếm 36,37% (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ sinh con tại nhà cao tập trung ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè.

Sìn Hồ là địa phương của tỉnh Lai Châu có tỷ lệ sinh con tại nhà cao nhất, chiếm 52,67% (năm 2021). Riêng 6 tháng đầu năm, toàn huyện ghi nhận 343 trường hợp sinh con tại nhà (chiếm 45%). Hầu hết các trường hợp này tập trung chủ yếu ở những xã có đồng bào dân tộc Dao, Mông sinh sống như: Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Làng Mô, Pu Sam Cáp… Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại, bởi sinh con tại nhà có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh do tai biến sản khoa nếu không được xử lý kịp thời.

Gặp vợ chồng em Giàng Thị Di (sinh năm 2002, ở bản Hồ Suối Tổng, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ) đang chăm sóc đứa con thứ 2 bị ốm. Dù đã 2 tuổi nhưng bé mới được 6 kg, chưa biết đi, chậm nói so với trẻ cùng lứa tuổi. Em Di chia sẻ: Cả hai lần sinh con, em đều đẻ tại nhà. Em và một số chị em phụ nữ trong bản cũng muốn đến trạm y tế nhưng phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên đã thành thói quen. Ở đây, sinh con tại nhà là chuyện bình thường, ít người đến bệnh viện. Do trong quá trình mang thai không đến khám tại trạm y tế nên từ ngày em bé sinh ra cứ một năm lại đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ 2-3 lần. Bác sỹ kết luận em bé bị suy dinh dưỡng và viêm phổi.

Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, có tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm tới 70%. Trạm Y tế ở đây được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, có y bác sỹ đào tạo bài bản nhưng do thói quen, phong tục lạc hậu nên nhiều phụ nữ vẫn chọn cách tự sinh con tại nhà. Câu chuyện mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, chồng đỡ đẻ cho vợ vẫn diễn ra hàng ngày nơi đây.

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu ảnh 2Cán bộ Trạm Y tế xã Dà Sề Phìn ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) tuyên truyền người dân đến trạm y tế khi sinh nở và hướng dẫn chăm sóc trẻ. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Theo y sỹ Lê Thị Thu Hà, Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, phụ nữ ở đây chủ yếu sinh con tại nhà, trừ khi trong quá trình vượt cạn gặp phải các tình huống khó đẻ, thai to thì mới gọi cho cán bộ y tế đến hỗ trợ. Thói quen này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi những người đỡ đẻ không có kiến thức về sinh sản, chủ yếu làm theo thói quen, kinh nghiệm, rất dễ xảy ra nhiễm trùng, băng huyết, nhiễm khuẩn. Mặt khác, nếu gặp các biến chứng như sản giật, vỡ tử cung hay các ca đẻ khó sẽ không biết cách xử trí, dễ dẫn đến tử vong.

Tại xã Tả Ngảo từ đầu năm đến nay, địa phương có 30/40 trường hợp sinh con tại nhà, chiếm 87,7%. Các bản cách xa trung tâm xã từ 10 - 40 km, 100% phụ nữ lựa chọn sinh con tại nhà như bản: Nậm Khăm, Lao Lử Đề.

Bác sỹ Nguyễn Trung Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà có chiều hướng gia tăng là do địa hình, giao thông đi lại khó khăn, từ bản ra trung tâm xã xa, cộng với phong tục tập quán lạc hậu, tâm lý xấu hổ, e ngại của phụ nữ khi đến cơ sở y tế thăm khám. Bên cạnh đó, nhiều chị em sinh con tại nhà một lần không thấy tai biến gì, nghĩ việc sinh nở đơn giản nên các lần sinh sau vẫn cứ sinh tại nhà. Một nguyên nhân nữa chính là nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Ngoài Sìn Hồ, huyện Phong Thổ cũng có tỷ lệ sinh con tại nhà khá cao (chiếm 47%) diễn ra chủ yếu ở các xã: Mù Sang, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ, Hoang Thèn… Đặc biệt, năm 2021 trên địa bàn huyện Phong Thổ có 4 sản phụ tử vong (trong đó có một ca nghi băng huyết do đẻ tại nhà; một ca chết sau khi mổ lấy thai và 2 ca chết trong quá trình mang thai do bị các bệnh lý nền).

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu ảnh 3Cán bộ Trạm Y tế xã biên giới Mồ Sì San ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) vận động phụ nữ có thai đến trạm y tế để thăm khám và sinh nở để được chăm sóc y tế. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Nhiều người dân vẫn không quên được cái chết thương tâm của sản phụ Phùng Tả Mẩy ở bản Tô Y Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ (nghi băng huyết) khi sinh con tại nhà. Qua lời kể của chồng chị Mẩy, đây là lần thứ 5 chị sinh con ở nhà. Trong quá trình mang thai, chị khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đi lên nương, vào rừng kiếm củi, hái măng. Đến chiều tối 18/2/2022, chị Mẩy thấy đau bụng lâm râm và cơn đau tăng dần. Do các lần sinh đẻ trước không có vấn đề bất thường xảy ra nên lần này chị cũng không đến trạm y tế và cũng không mời người đến hỗ trợ trong quá trình sinh. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, chị Mẩy sinh ra một bé trai khỏe mạnh, hồng hào. Sau đó, người nhà xuống xem thấy chị Mẩy rau không bong và chảy nhiều máu đã khuyên lên trạm y tế nhưng chị Mẩy kiên quyết không đi. Tới khoảng 23 giờ 30 phút, rau vẫn không bong, chảy nhiều máu, vã mồ hôi, chân tay run, tím tái và đến 0 giờ 15 phút ngày 19/2, chị Mẩy tử vong.

Mặc dù các sản phụ người đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao Lai Châu đều có thẻ bảo hiểm; khi đến bệnh viện, trạm y tế không phải đóng viện phí nhưng nhiều người vẫn lựa chọn cách sinh con tại nhà. Người đỡ đẻ thường là những người bà, người mẹ hoặc người có kinh nghiệm hay đỡ đẻ trong bản. Trẻ sinh ra thường được cắt rốn bằng dao, hoặc kéo có sẵn trong nhà; có khi chẻ cây nứa làm dao cắt rốn. Việc này rất nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ và trẻ sơ sinh.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai vùng dân tộc thiểu số đã được các ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương tỉnh Lai Châu chú trọng. Theo đó, ngành Y tế Lai Châu thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể ở cơ sở, tăng cường công tác rà soát, tuyên truyền, vận động phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để sinh con. Đặc biệt, trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng, cán bộ y tế luôn chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại trạm y tế xã.

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu ảnh 4Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Tả Ngảo ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) khám thai định kỳ cho thai phụ trên địa bàn xã. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Xác định công tác truyền thông là một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân, Trạm Y tế các xã, thị trấn trên địa bàn đã đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại các gia đình, lồng ghép tại các cuộc họp bản; hàng tháng đều thông báo và mời phụ nữ có thai trên địa bàn đến khám, tư vấn, tiêm phòng uốn ván; đồng thời phối hợp với nhân viên y tế thôn, bản phát hiện sớm những trường hợp có thai để tuyên truyền, tư vấn, vận động sinh đẻ tại cơ sở y tế. Các trạm y tế luôn chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thuốc, gói đẻ sạch…

Từ những hệ lụy của việc sinh con tại nhà, các y, bác sỹ trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng luôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các bà mẹ khi mang thai nên đến cơ sở y tế để khám, tư vấn thường xuyên ở giai đoạn cuối thai kỳ để bảo đảm sức khỏe cho thai nhi và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Nhưng do nhận thức, phong tục tập quán nên nhiều phụ nữ vẫn lựa chọn sinh con tại nhà. Cùng đó, do bất đồng ngôn ngữ, nhiều phụ nữ không biết tiếng phổ thông hay đi làm trên nương gây khó khăn trong công tác tuyên truyền.

Chị Mùa Thị Sùng, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, cho biết: Mặc dù trạm đã được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhưng tình trạng sinh con tại nhà trên địa bàn khá cao. Đội ngũ y tế của trạm cùng với cán bộ xã thường xuyên xuống bản phối hợp với trưởng bản, già làng, dòng họ để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về những rủi ro khi sinh con tại nhà và lợi ích khi sinh tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của người dân nơi đây không phải “một sớm một chiều” vì đã ăn sâu vào nếp sống qua bao đời nay.

Ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong việc sinh con tại nhà, từ đó, có thể tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra, góp phần giảm tỷ lệ đẻ tại nhà, giảm tai biến sản khoa ở mức thấp nhất.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm