Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên tại vùng cao Lào Cai

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên tại vùng cao Lào Cai

Dù được quan tâm nhiều hơn nhưng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em ở một số địa phương vùng cao tỉnh Lào Cai vẫn còn không ít thiệt thòi. Nạn tảo hôn vẫn tồn tại kéo theo tình trạng phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con chưa được cải thiện nhiều, không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dân số mà còn khiến công tác xóa đói giảm nghèo gặp khó khăn. Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên, trong đó chú trọng tác động thay đổi tư duy - coi đây là yếu tố then chốt để không còn em gái nào phải hối hận vì đã lấy chồng sớm.

Làm mẹ ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới"

Nhiều em gái ở vùng cao Lào Cai chưa kịp học hết Trung học Phổ thông đã trở thành mẹ. Mới 22 tuổi, Giàng Thị Bằng (xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai) đã có 2 con, một bé 3 tuổi, một bé 5 tuổi. Khi 17 tuổi, Bằng bỏ dở việc học giữa chừng và lấy chồng, sinh con.

Nỗ lực đẩy lùi tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên tại vùng cao Lào Cai ảnh 1 Cán bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của việc hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Chia sẻ thêm về cuộc sống sau khi kết hôn của cặp vợ chồng trẻ, Bằng bảo, hai vợ chồng về sống với nhau được bố mẹ cho đất. Vợ chồng bảo nhau trồng ngô trên nương, chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi gia súc nhưng cũng chẳng được là bao. "Nếu được đi học, có kiến thức hơn, mọi việc đều có thể dễ dàng hơn nhiều, nuôi dạy con cũng không vất vả như thế", Bằng bộc bạch.

Tuy vậy, Bằng vẫn may mắn hơn nhiều bạn bè cùng lứa lấy chồng, có con sớm như mình khi em được bố mẹ chồng giúp chăm sóc con. Nhiều nhà không có điều kiện, bố mẹ lại bận đi làm nương nên từ lúc vài tháng tuổi, các bé đã phải rong ruổi theo mẹ trên những nương ngô. Vuốt tóc đứa con hơn 3 tuổi, Bằng lặng người khi được hỏi: "Sau này có muốn cho con gái lấy chồng sớm không?". Bằng chậm rãi nói: "Không đâu. Nhất định em phải cho nó đi học. Học hết lớp 12 rồi lại học cái nghề. Đời nó sau này…" Không thể nói hết câu, người mẹ trẻ tuổi mắt ngấn lệ ở những từ cuối cùng.

Hối hận có lẽ cũng là suy nghĩ chung của không ít những lứa đôi kết hôn từ khi chưa đủ tuổi. Chúng tôi gặp chị Giàng Thị Xua (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà) tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. Người phụ nữ 31 tuổi này có gương mặt khắc khổ và già hơn tuổi thật của mình khi đã có 16 năm làm mẹ của 6 đứa bé. Con út nhất của chị mới sinh được 6 ngày tuổi và đang được theo dõi sức khỏe tại đây. Chúng tôi trò chuyện với chị dưới sự giúp đỡ của bác sỹ Nhi khoa Vàng Seo Sào. Nhìn người chồng ít hơn 1 tuổi đang lóng ngóng trả lời các câu hỏi của bác sỹ, chị Xua cho biết, vợ chồng chị lấy nhau khi anh mới 14 tuổi. Hai vợ chồng khi ấy chưa trưởng thành nên có nhiều việc không biết làm. Giờ vẫn là hộ nghèo của xã nhưng may mắn sinh con trong viện, được Nhà nước trợ cấp tiền ăn, tiền thuốc (Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai) nên cũng đỡ nhiều.

Bác sỹ Vàng Seo Sào cho biết, trên thực tế, nhiều trẻ do phụ nữ tuổi vị thành niên sinh ra khó phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, thậm chí bị suy dinh dưỡng do mẹ thiếu kiến thức chăm sóc bản thân và nuôi con, điều kiện kinh tế hạn chế. Bên cạnh đó, trẻ được sinh ra nhưng bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn nên không làm giấy khai sinh cho con, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ, trong đó có chăm sóc y tế.

Thời điểm mang thai tốt nhất là khi phụ nữ đã chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, thể chất, khả năng sinh sản, tinh thần, tài chính và trách nhiệm làm mẹ. Tuy nhiên, đa số nghiên cứu và thực tế đều chỉ ra rằng, 20 - 35 là độ tuổi vàng để làm mẹ, không nên sinh con trước tuổi 20 và sau tuổi 35.

Thống kê của các cơ quan chức năng của Lào Cai cho thấy, số trẻ do phụ nữ dưới 20 tuổi sinh ra năm 2021 là 1.956 trẻ/11.070 trẻ được sinh ra trong toàn tỉnh, chiếm 17,67% (dân tộc Mông chiếm 60,22%; dân tộc Dao chiếm 17,12%; dân tộc Tày chiếm 8,23%; các dân tộc khác chiếm 14,43%); số trẻ do phụ nữ dưới 18 tuổi sinh ra là 812 trẻ, chiếm 7,35%. Các huyện có tỷ lệ trẻ do phụ nữ dưới 20 tuổi sinh ra cao gồm Bắc Hà (25,29%), Si Ma Cai (25,07%) và Bát Xát (21,57%).

Chú trọng truyền thông thay đổi nhận thức

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, Lào Cai có 219 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu, bằng 32,4% so với năm 2021. Trong đó phụ nữ dân tộc Mông là chủ yếu. Năm 2022, Lào Cai phấn đấu giảm 20% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu trên, trước hết cần làm tốt việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Do đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp lồng ghép, đồng bộ từ tận dụng ảnh hưởng của người có uy tín tại địa phương đến xây dựng mới và duy trì các mô hình hoạt động tuyên truyền hiệu quả.

Ông Sùng Seo Phủ (thôn Lùng Sán, huyện Si Ma Cai) làm người mai mối cho các cặp đôi đã được gần 30 năm. Theo phong tục địa phương, nếu không có người mai mối, các cặp đôi dù muốn cũng không thể tổ chức cưới hỏi. Ông luôn cố gắng giải thích với các cháu và người nhà những quy định của Nhà nước về hôn nhân rất rõ ràng là con gái phải đủ 18 tuổi và con trai là 20 tuổi trở lên. "Khi có những trường hợp đến nhờ mai mối, tôi hỏi luôn đã đủ tuổi chưa. Nếu chưa, tôi kiên quyết không nhận lời mai mối. Đồng thời, tôi cũng giải thích luôn là lập gia đình sớm quá kiến thức còn hạn hẹp, cuộc sống sau kết hôn sẽ vô cùng khó khăn thiếu thốn", ông Phủ chia sẻ.

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đang tăng cường xây dựng các mô hình điểm, các Câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nội dung như: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình...”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Các mô hình, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 147 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 50 trường hợp là học sinh; kịp thời xử lý vi phạm hành chính 28 vụ tảo hôn.

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh Lào Cai chủ trì, phối hợp với các địa phương lựa chọn các xã, phường, thị trấn có nhiều người tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con trong thời gian qua để xây dựng thêm 17 mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn tại 9 huyện, thị xã, thành phố; khuyến khích các sáng kiến trong xây dựng và thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện cho người ở tuổi vị thành niên, bảo đảm có thể tiếp cận các mô hình tại nhà trường, cộng đồng.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm