Nỗ lực cải thiện môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Nỗ lực cải thiện môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Ảnh minh họa: Những chiếc bếp than tổ ong cũ được giáo viên Trường Mầm non Chim Non (quận Hoàn Kiếm) sử dụng để làm chậu trồng hoa. Nguồn ảnh: hanoimoi.com.vn
Ảnh minh họa: Những chiếc bếp than tổ ong cũ được giáo viên Trường Mầm non Chim Non (quận Hoàn Kiếm) sử dụng để làm chậu trồng hoa. Nguồn ảnh: hanoimoi.com.vn

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển Cộng đồng cho biết: Hiện nay thực trạng không khí của Việt Nam đang ở mức báo động và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, trong đó tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là bụi PM2.5 (Bụi siêu nhỏ) do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong nhu mô phổi và mao mạch phổi gây ra tăng các trường hợp nhập viện do bệnh hô hấp, tim mạch, hen suyễn…

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ước tính hằng năm có 7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí.

Tại Việt Nam vào năm 2016 có hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Mặc dù đã nghe và biết đến về thực trạng ô nhiễm không khí nhưng người dân nước ta vẫn chưa nhận diện được những tác động của nó tới sức khỏe.

Năm 2018, chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội mặc dù đã được cải thiện trong 3 năm trở lại đây nhưng chỉ số không khí vẫn luôn đạt mức cao. Bụi PM2.5 (Bụi siêu nhỏ) vẫn là thông số có mức độ cao nhất, và nhiều ngày có chất lượng không khí “xấu” tại hầu hết các trạm quan trắc. Các vị trí có mức độ ô nhiễm cao nhất thường gần các trục đường giao thông chính như đường Minh Khai, Phạm Văn Đồng. Người dân sống quanh các nút giao thông bị ảnh hưởng tới sức khỏe rõ rệt: Mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật bị kích thích, tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp cao hơn so với nhóm đối chứng.

Theo báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2018 (World Air Quality Report), trong tổng số hơn 3.000 thành phố xếp hạng theo mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 thì Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và xếp hàng 209 trên toàn thế giới về ô nhiễm không khí; Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 15 trong khu vực và 455 trên toàn thế giới.

Để góp phần nhận biết nguồn ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe cộng đồng, Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng: Mỗi cá nhân, gia đình cần tham gia giảm thiểu tối đa các nguồn phát thải gây nhiễm không khí; giảm tiểu tối đa việc đốt hương, đốt vàng mã; không dùng bếp than đun nấu,… thay vào đó nên dùng các nguyên liệu làm sạch tự nhiên, trồng cây xanh quan nhà, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.

Buổi tọa đàm cũng là không gian đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, Bác sỹ về ô nhiễm không khí và tác động đến sức khỏe người dân đặc biệt là trẻ em. Đồng thời mang lại cho người tham dự nhận thức đúng về vấn đề ô nhiễm không khí, cung cấp các giải phải bảo vệ sức khỏe gia đình.

Đây là sự kiện Chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến dịch “Không khí sạch Việt Nam” được tổ chức hàng năm do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khởi xướng. Chiến dịch nhằm mục tiêu góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách về không khí sạch tại Việt Nam gồm các hoạt động: Xây dựng và cung cấp thông tin giúp người dùng tiếp cận dễ dàng với các thông tin về thực trạng và giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí tại nơi mình sinh sống…; chiến dịch truyền thông nhằm chia sẻ các thông điệp về chất lượng không khí; hoạt động và sự kiện tại trường học, khu dân cư và nơi công cộng.
Lý Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm