Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn

Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115.500 ha, nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, là rừng khộp duy nhất tại Việt Nam với hệ thống sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng, có trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó có nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Để bảo vệ đa dang sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn, nhất là động vật hoang dã, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, rà phá bẫy do các đối tượng đặt nhằm săn, bắt động vật hoang dã.

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 1Tổ tuần tra của Trạm Kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) thu gom bẫy lò xo sau khi phát hiện và làm sập bẫy. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Một ngày cuối tháng 4, giữa cái nắng “quay quắt” của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có dịp theo chân lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng và tìm kiếm, gỡ bẫy thú rừng của các đối tượng săn, bắt động vật hoang dã. Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, mỗi cán bộ Kiểm lâm chỉ sử dụng một cây gậy để tìm kiếm và phá bẫy động vật.

Với “thâm niên” hơn 13 năm công tác tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, anh Nguyễn Viết Huỳnh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) cho biết: Mùa khô Tây Nguyên cũng là thời điểm các đối tượng đặt bẫy nhiều nhất, đặc biệt là ở các khu vực gần nguồn nước; do đó đây cũng là thời gian cao điểm lực lượng Liểm lâm tổ chức tuần tra, rà phá các loại bẫy thú nhằm “mở đường sống” cho động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn. Công tác tuần tra, phát hiện, phá bẫy được thực hiện bởi người nhiều kinh nghiệm và hết sức thận trọng do có nhiều loại bẫy được ngụy trang kỹ càng, nguyên lý hoạt động khác nhau nên rất nguy hiểm và có khả năng gây sát thương lớn.

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 2Bẫy lò xo chuyên dùng bẫy các loại thú lớn có móng guốc được lực lượng kiểm lâm phát hiện, tháo gỡ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 3Nhiều loại bẫy được lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn thu giữ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 4Lực lượng chức năng “vô hiệu hóa” bẫy kẹp đặt tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 5Mỗi chiếc bẫy được phát hiện, thu giữ sẽ “mở đường sống” cho động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Anh Nguyễn Viết Huỳnh chia sẻ, mặc dù việc tìm kiếm, gỡ bẫy có phần nguy hiểm, thậm chí có những anh em Kiểm lâm từng “sập bẫy” bị thương nặng nhưng với trách nhiệm của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, mọi người vẫn tiếp tục công việc được giao. Trong giai đoạn cao điểm mùa khô, có những ngày tổ tuần tra phát hiện, tháo gỡ hàng chục chiếc bẫy các loại như bẫy lò xo (dùng bẫy thú lớn, có móng guốc), bẫy kẹp, bẫy dây phanh… Mỗi chiếc bẫy được tháo gỡ sẽ tăng cơ hội sống cho động vật hoang dã và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh đó, khi phát hiện sớm động vật mắc bẫy cũng kịp thời cứu sống để thả về rừng. Đây không chỉ đơn thuần là công tác chuyên môn mà còn là niềm vui của những người giữ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn Phan Thanh Hòa cho biết, Vườn Quốc gia có địa hình bằng phẳng nhưng lực lượng kiểm lâm ở các trạm tương đối mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và hệ sinh thái gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, lực lượng Kiểm lâm luôn nêu cao tinh thần đấu tranh với các hành vi vi phạm để bảo vệ đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đặc biệt, trong mùa khô, các đối tượng thường xâm hại rừng, săn, bắt động vật hoang dã nên các Trạm kiểm lâm cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng vi phạm, đồng thời tìm kiếm, kịp thời tháo gỡ các loại bẫy thú rừng để bảo vệ động vật hoang dã và duy trì đa dạng sinh học tại Vườn.

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 6Tổ tuần tra của Trạm Kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) tuần tra, tìm kiếm các loại bẫy thú được đặt ở khu vực gần nguồn nước. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể để lồng ghép các nội dung tuyên truyền đến người dân sống gần rừng về nâng cao nhận thức và tránh những hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Theo ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn: Vườn có diện tích khá rộng, nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk LắkĐắk Nông. Các khu vực xung quanh Vườn Quốc gia Yok Đôn có người dân canh tác, sinh sống ngay sát bìa rừng nên có nhiều vị trí dễ bị xâm nhập, nguy cơ cao bị khai thác lâm sản, săn bắt trái phép động vật rừng. Để bảo tồn đa dạng hệ sinh thái Vườn Quốc gia Yok Đôn, lực lượng cán bộ, kiểm lâm tăng cường công tác bảo vệ, thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét tại hiện trường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người vào rừng tự nhiên, phối hợp tốt với các bên có liên quan, phát hiện và xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nắm chắc tình hình diễn biến tài nguyên rừng, quản lý có hiệu quả, bảo vệ nguồn gen, giữ gìn nguồn tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm