Ninh Thuận xây cầu qua ngầm, đập tràn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ

Ninh Thuận xây cầu qua ngầm, đập tràn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ

Mỗi mùa mưa bão, vùng miền núi thường xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống, nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, các ngầm, đập tràn nhanh chóng ngập chìm trong dòng nước chảy mạnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước tình trạng trên, tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng các cây cầu kiên cố giúp người dân các xã miền núi, vùng sâu đi lại an toàn, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Ninh Thuận xây cầu qua ngầm, đập tràn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ ảnh 1Tỉnh Ninh Thuận đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng cầu mới thay thế tràn Gia Nhông (tỉnh lộ 707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái) để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tại tràn suối Gia Nhông qua tỉnh lộ 707 xã Phước Bình, huyện Bác Ái, mỗi khi mưa lũ đổ về nước ngập sâu từ 0,5 đến 2 mét gây chia cắt giao thông. Chị Katơr Thị Phụng (thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình) cho hay: "Mỗi ngày mình hai lần chở con đi học về, rồi đi chăn bò qua con suối này, khi trời có mưa lũ nước suối dâng lên rất nhanh, bà con phải đứng đợi cho nước rút mới dám qua. Trước đây, có người băng qua không may bị nước cuốn đi cả người lẫn xe". 

Trước thực tế này, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận triển khai xây mới cầu thay thế tràn Gia Nhông với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Công trình cầu dài 34,6m gồm: một nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng cầu 7m, đường dẫn hai đầu cầu 119,4m. Đây là công trình cấp IV, thuộc nhóm C, có nguồn vốn đầu tư từ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2022.

Ninh Thuận xây cầu qua ngầm, đập tràn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ ảnh 2Dự án cầu mới thay thế tràn Gia Nhông (tỉnh lộ 707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái) đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, xây dựng cầu mới qua tràn Gia Nhông nhằm tránh tình trạng chia cắt, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân và các phương tiện tham gia lưu thông trong mùa mưa lũ, phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra trên tuyến đường tỉnh lộ 707. Hiện nay, đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, nhân công để đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực từ Trung ương và địa phương đầu tư hàng loạt cây cầu dân sinh giúp nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại an toàn.

Điển hình như cầu Láng Ké nối hai thôn Liên Sơn 1, Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) nằm trong dự án LRAMP (dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Cầu Láng Ké có chiều dài 50m, bề rộng 3m, tải trọng 10 tấn, đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 300m đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần chấm dứt cảnh người dân đi làm rẫy, đồng phải băng qua suối vào mùa mưa lũ nước chảy xiết.

Ninh Thuận xây cầu qua ngầm, đập tràn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ ảnh 3 Cầu Láng Ké (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) được xây dựng bằng bê tông, có tải trọng 10 tấn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi của người dân. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp Ban Quản lý dự án 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thi công xong 16 cầu, cống dân sinh thuộc dự án LRAMP với tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng. Các cây cầu, cống này được đầu tư tại địa bàn các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, những cây cầu, cống dân sinh trên địa bàn các xã, huyện được đầu tư trong thời gian qua đã kết nối các trục đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân miền núi, vùng sâu đi lại an toàn vào mùa mưa lũ, vận chuyển nông sản thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đối với tuyến tỉnh lộ 707 theo kiến nghị của người dân cần đầu tư xây dựng cầu qua 2 - 3 vị trí tràn, thời gian tới Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu phương án xây dựng, về cơ bản đến nay các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều đã xây dựng các cây cầu kiên cố đáp ứng nhu cầu giao thông của nhân dân.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm