Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Ninh Thuận tập trung khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1 Mô hình trồng giống nho Ngón tay đen không hạt chất lượng cao tại xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận quan tâm, điển hình như mô hình trồng các giống dưa lưới của Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia,...ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội đang mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp của địa phương.

Anh Trương Quang Bôn, đại diện trang trại PT Farm (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, trang trại có diện tích 1 ha trồng dưa lưới trong nhà màng, chi phí đầu tư ban đầu trồng 1 sào (1.000 m2) dưa lưới trong nhà màng từ 400 – 500 triệu đồng. Bình quân 1 sào trồng khoảng 3.000 chậu với hai giống dưa chính là TL3 và ML 238. Mỗi cây dưa lưới ở đây được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với các vi sinh vật có hại trong đất.

Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 2Trồng dưa lưới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển tự động qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, chủ trang trại đưa hàng nghìn con ong ruồi vào thụ phấn, sau khi thụ phấn ra quả mỗi cây chỉ giữ lại 1 quả để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả. Trang trại chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Anh Bôn cho hay: “Việc trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp mình tiết kiệm được nguồn nước tưới, thứ hai là ít sử dụng nhân công, thứ ba là mình có thể trồng dưa lưới quanh năm mà không sợ mưa hay bất lợi của thời tiết, nếu ở ngoài thì trồng được 2 vụ nhưng áp dụng mô hình này thì mình có thể trồng được 4 vụ mỗi năm”.

Dưa lưới từ lúc trồng đến khi quả đạt trọng lượng từ 1,4 – 1,8 kg bắt đầu thu hoạch, một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 – 70 ngày, sản xuất được 3 – 4 vụ/năm. Bình quân mỗi sào dưa lưới cho thu hoạch 3,5 tấn quả, với giá bán 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư trang trại có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm dưa lưới được các cửa hàng, siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ thúc đẩy gia tăng về giá trị sản phẩm mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương.

Anh Dương Đình Hiển, chủ trang trại Ngọc Hiển (xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, trang trại đang liên kết với công ty trồng 27 ha chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi ha chanh đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Cây chanh ở trang trại được trồng theo hàng với mật độ 400 cây/ha và được phân thành từng lô để dễ chăm sóc, thuận tiện đưa máy móc vào canh tác cũng như theo dõi, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Cây chanh không hạt cho trái quanh năm, khoảng 20 ngày thu hoạch một lần với sản lượng từ 4 – 15 tấn quả. Chanh được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP được công ty ký hợp đồng thu mua xuất khẩu sang thị trường Hà Lan nên đầu ra và giá cả luôn ổn định, mỗi một ha chanh không hạt cho doanh thu bình quân khoảng 400 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Ngoài ra, tỉnh hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích lên 1.000 ha.

Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 3Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trong lồng bè ở Đầm Nại của người dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Người nông dân có thể thấy được vấn đề nổi bật là nông nghiệp công nghệ cao có thể khắc phục được các yếu tố bất lợi về khí hậu, thời tiết. Từ đó, hình thành nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thúc đẩy phát triển

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đột phá để tạo động lực phát triển, năm 2023 Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt 4-5%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30-40%/năm. Tỉnh nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 500 ha với giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha.

Đồng thời, Ninh Thuận cũng sẽ ưu tiên thu hút doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành từ 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có ít nhất 20 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả. Song song với đó lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh và hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị sản xuất.

Ninh Thuận tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 4Trồng dưa lưới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đồng bộ, coi đây là giải pháp đột phá, trọng tâm, động lực để phát triển.

Để đạt các chỉ tiêu trên, Ninh Thuận đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, đồng thời dành gần 7 tỷ đồng hỗ trợ 10 dự án tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; tổ chức hội thảo xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Ninh Thuận cũng kêu gọi, xúc tiến hợp tác nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh hợp tác liên kết với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, lựa chọn các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng phù hợp với tiềm năng lợi thế và tình hình sản xuất của tỉnh nhất là các giống, quy trình, công nghệ sinh học, hữu cơ, nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà kính, nhà lưới, VietGAP, GlobalGAP, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm, công nghệ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Song song với đó, Ninh Thuận tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhanh chuyển đổi số, từng bước đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm