Ninh Thuận tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

Ninh Thuận tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết cho 786 lượt hộ vay vốn triển khai 70 dự án sản xuất với tổng dư nợ trên 20,3 tỷ đồng; phối hợp với các ngân hàng, tín chấp giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ đến nay hơn 1.681 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 39.565 hội viên vay thông qua 801 tổ vay vốn phục vụ phát triển sản xuất.

Mô hình trồng nho xanh NH 01 – 48 an toàn của nông dân xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình trồng nho xanh NH 01 – 48 an toàn của nông dân xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới của hội viên cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi lợn đen, bò, dê, cừu vỗ béo, nuôi cá bớp, tôm sinh học, mô hình trồng măng tây xanh, trồng nho, táo tiêu chuẩn VietGAP, cây ăn quả đặc sản có khả năng chịu hạn, cho giá trị kinh tế cao.

Trong số này, có nhiều hộ nông dân có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Điển hình như mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển của ngư dân Phan Văn Thạch (huyện Thuận Nam) cho thu nhập trên 1,7 tỷ đồng mỗi năm; mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của ông Huỳnh Ngọc Thừa (huyện Ninh Sơn) cho thu nhập 400 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh giết mổ gia súc của ông Trần Ngọc Đông (huyện Ninh Phước) cho thu nhập trên 900 triệu đồng/năm...

Nông dân sản xuất giỏi Hùng Ky (xã An Hải, huyện Ninh Phước) với mô hình vườn măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Nông dân sản xuất giỏi Hùng Ky (xã An Hải, huyện Ninh Phước) với mô hình vườn măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Qua bình xét, toàn tỉnh hiện có 13.582 hộ đạt danh hiệu "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp. Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, công tác phát triển hội viên được các cấp Hội chú trọng, năm 2019, Hội Nông dân tỉnh kết nạp 3.157 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên gần 49.000 người. Tại các địa phương, hội viên đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương và địa phương phát động, đóng góp tiền của, hiến đất đai, công lao động để xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, vai trò là cầu nối, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp, liên kết với các Sở, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Các hội viên nông dân luôn có ý thức vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng bưởi da xanh giúp hội viên nông dân đồng bào Raglai ở xã vùng cao Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình trồng bưởi da xanh giúp hội viên nông dân đồng bào Raglai ở xã vùng cao Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hỗ trợ hội viên vẫn còn nhiều khăn, hạn chế như: nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên vay còn thấp so với nhu cầu thực tế; nhiều hộ nông dân sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, manh mún; việc nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi còn chậm, thiếu đồng đều nên hiệu quả chưa cao...

Khắc phục những khó khăn, năm 2020 Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên như: Vay vốn ưu đãi, hỗ trợ máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, tổ chức hội thảo...để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất kinh tế đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, các cấp Hội xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tăng cường tuyên truyền hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
 
Nguyễn Thành 

Có thể bạn quan tâm