Ninh Thuận tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sớm ổ bệnh tay chân miệng

Ninh Thuận tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sớm ổ bệnh tay chân miệng

Tại Ninh Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay mặc dù số ca mắc tay chân miệng chỉ ghi nhận 17 trường hợp, giảm 68,5% so với cùng kỳ 2021 (17/54 ca). Thế nhưng, do tính chất lây truyền của bệnh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh nên khả năng dịch bệnh tăng lên trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh tay chân miệng, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Hiện nay, Sở Y tế tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện sớm ổ bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ bệnh và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ bệnh, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tổ chức việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, nhất là các bệnh nhân nặng; phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh khác.

Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận cũng chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; triển khai tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Cùng với đó tăng cường kiểm tra và hỗ trợ các địa phương có khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh để kịp thời có giải pháp phòng, chống và ngăn chặn tình trạng dịch bệnh tay chân miệng có thể lan rộng, kéo dài.

Ngành Y tế đang phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục; đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục cần cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thực hiện vệ sinh lớp học và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng…; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị kịp thời.

Ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dạy trẻ, khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng như loét miệng, phát ban, mụn nước mà có các dấu hiệu nguy hiểm (sốt cao liên tục khó hạ kèm với nôn ói; giật mình, run chi, chới với, bứt rứt, ngủ gà, co giật, hôn mê…; thở khó, thở nhanh, thở không đều; tim đập nhanh, tay chân lạnh, thay đổi màu sắc da), cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, lưu hành quanh năm và thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-11 hằng năm. Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 5.545 trường hợp mắc tay chân miệng; trong đó đã có 1 trường hợp bé trai tử vong tại tỉnh Bình Thuận.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm