Ninh Thuận phát triển y học cổ truyền trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Ninh Thuận phát triển y học cổ truyền trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Ảnh: baoninhthuan.com.vn
Nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Ninh Thuận
hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Ảnh: baoninhthuan.com.vn

Dược sỹ Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có 63/65 xã, phường có tổ chức hội với 2.170 hội viên cùng 129 cơ sở khám, chẩn trị Đông y do các cấp Hội quản lý. Phát huy vai trò của Đông y trong công tác khám, chữa bệnh, Hội Đông y tỉnh phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao y đức cho đội ngũ các lương y, thầy thuốc; thẩm định xét duyệt bài thuốc gia truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đẩy mạnh phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam.

Các hoạt động khám, chữa bệnh không ngừng được củng cố, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại nên đã phát huy tác dụng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Việc sử dụng các phương pháp Đông y kết hợp với Tây y đã mang lại nhiều kết quả tốt trong điều trị các chứng bệnh mãn tính. Đặc biệt, nhiều chứng bệnh khó đã được điều trị có hiệu quả như: Bệnh về cơ, xương, khớp, viêm dây thần kinh, di chứng tai biến mạch máu não, phong độc, cao huyết áp, tiểu đường, suy nhược.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội phối hợp với các đơn vị y học cổ truyền khám, điều trị cho gần 900.000 lượt người với tổng chi phí trên 178 tỷ đồng; trong đó tổ chức khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho gần 146.000 lượt người thuộc các gia đình nghèo, neo đơn, gia đình chính sách với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng; qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại các địa phương.

Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh, hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu luôn được tỉnh Hội chú trọng. Hội Đông y tỉnh đang phối hợp cùng trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai đề tài khoa học “Điều tra cây thuốc Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” để sưu tầm và xây dựng hồ sơ khoa học các cây thuốc, vị thuốc bổ sung vào danh mục các cây, bài thuốc Nam của tỉnh.

Cùng với đó, để bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý và chủ động được nguồn dược liệu, Hội Đông y tỉnh phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận”. Dự án góp phần bảo tồn các loại cây thuốc quý trong vườn 30 hộ gia đình đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải).

Hội xây dựng mô hình trình diễn bảo tồn vườn thuốc Nam hơn 500 m2 ở thôn An Nhơn (xã Xuân Hải). Vườn trồng 42 cây dược liệu quý như: Bao Vỏ, Xạ Đen, Huyết Rồng, Vú Bò, Cam Đường, Bình Vôi, Chùm Ngây, Nữ Hoàng Cung, chè Vằng và những cây thuốc được người Chăm sử dụng với khối lượng lớn. Qua đó, nguồn gen các cây thuốc quý được lưu giữ, phát triển để trồng nhân rộng theo các mô hình “Vườn thuốc gia đình”, “Vườn thuốc tập thể”, “Vườn thuốc cơ quan” tại các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Dược sỹ Nguyễn Xuân Tuyển cho biết, trong thời gian tới, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình mới. Hội đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn y học cổ truyền cho hội viên, tích cực tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho nhân dân; lưu giữ, phát triển các bài thuốc hay, cây thuốc quý ở các địa phương.

Đồng thời, Hội sẽ phối hợp với Sở Y tế thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức hội nghị thầy thuốc giỏi của đồng bào các dân tộc Chăm, Raglai để chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh, những bài thuốc nam hay, độc đáo. Hội vận động các nguồn lực, hỗ trợ các cơ sở đưa vào sử dụng máy bào thuốc, sấy thuốc chất lượng cao; nâng cao các kỹ thuật thu hái, bào chế, sao tẩm và bảo quản các loại thuốc đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất thuốc của ngành y tế.

Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa công tác y dược cổ truyền, phát triển, nhân rộng vùng trồng dược liệu ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, hướng tới phục vụ các hoạt động du lịch để tăng hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia trồng cây thuốc./.

Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm