Ninh Thuận linh hoạt sản xuất vụ Hè Thu ứng phó với khô hạn

Ninh Thuận linh hoạt sản xuất vụ Hè Thu ứng phó với khô hạn

Mặc dù lượng nước ở 22 hồ chứa hiện chiếm trên 56% dung tích thiết kế, thế nhưng do đặc thù của vùng đất thường hay khô hạn, nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ có thể xảy ra. Chính vì thế, Ninh Thuận không chủ quan, chủ động đề ra phương án tối ưu và linh hoạt trong sản xuất để vụ Hè Thu năm 2022 mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ninh Thuận linh hoạt sản xuất vụ Hè Thu ứng phó với khô hạn ảnh 1Nông dân ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hoàn tất đổ ải để sản xuất vụ Hè Thu. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng khô hạn như Ninh Thuận, quan điểm nhất quán của tỉnh đó là ưu tiên nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước phục vụ cho cây trồng lâu năm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) để chủ động có phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp sản xuất cụ thể từng xứ đồng…

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng phải kiểm tra, kiểm soát để ứng phó với việc sản xuất lệch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Ninh Thuận linh hoạt sản xuất vụ Hè Thu ứng phó với khô hạn ảnh 2 Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi mở nước kênh Nam phục vụ người dân ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) sản xuất vụ Hè Thu. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Vụ Hè Thu 2022 này, tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân; phấn đấu thực hiện đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương đến thời điểm hiện tại thì cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm, nguồn nước còn lại sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trong vụ Hè Thu này, Ninh Thuận sẽ tổ chức sản xuất với diện tích trên 30.300 ha; trong đó lúa hơn 14.445 ha, rau màu hơn 15.850 ha, được gieo trồng từ nay đến ngày 10/6 và chậm nhất không vượt quá ngày 20/6. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng tiếp tục duy trì thực hiện 31 cánh đồng lớn với diện tích trên 4.240 ha đã thực hiện trong vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 530 ha gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả cho sản xuất. Ngành cũng đang cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng thời vụ và cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành, phù hợp với từng địa phương; đồng thời khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

Ninh Thuận linh hoạt sản xuất vụ Hè Thu ứng phó với khô hạn ảnh 3Nhiều hộ nông dân ở Ninh Thuận sử dụng lưới bao giàn táo chống ruồi vàng đục trái để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp về chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân yên tâm sản xuất; đồng thời, khuyến cáo để người dân biết giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí để tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận đang tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân biết; đồng thời hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao để chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ Hè Thu phù hợp với điều kiện tại địa phương. Bên cạnh đó, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ nông dân trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài nguồn nước hiện có ở các hồ chứa, công ty thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2022 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm.

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đang gấp rút hoàn thành việc nạo vét các kênh, mương; gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng; đồng thời quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi.

Tính đến sáng 17/5, tổng lượng nước ở 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 232,85 triệu/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế. Tuy nhiên, lượng nước ở các hồ có sự chênh lệch so với dung thích thiết kế. Do đó, để tránh thiệt hại cho sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho dừng sản xuất vụ Hè Thu tại khu tưới của 4 hồ chứa, gồm các hồ: Tà Ranh ở huyện Ninh Phước; Phước Nhơn ở huyện Bác Ái; CK7 ở huyện Thuận Nam; Ma Trai ở huyện Thuận Bắc; bố trí sản xuất toàn bộ các khu tưới của hệ thống đập dâng Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm, kênh Chung, các tuyến kênh nhánh thuộc kênh chính của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và các hồ còn lại.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm