Ninh Thuận là điểm đến du lịch lý tưởng

Ninh Thuận là điểm đến du lịch lý tưởng
Phát triển du lịch ở Ninh Thuận đã có những bước đi dài cả ở cấp độ chiến lược và tác nghiệp. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, có bước phát triển và mang lại hiệu quả đáng kể. Mặc dù so với một số tỉnh lân cận có du lịch phát triển, Ninh Thuận còn có khoảng cách nhất định. Nhưng với tiềm năng lớn “có một, không hai” về biển, văn hóa lịch sử, sinh thái, dịch vụ cao cấp, làng nghề, ẩm thực mang tính đặc trưng mà tỉnh đang khai thác đã tạo cho ngành du lịch có sự “bứt phá” mạnh mẽ về phát triển. Minh chứng cụ thể đó là lượt khách luôn đạt tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, đạt bình quân 16%/năm.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước còn khó khăn, nhưng ngành du lịch Ninh Thuận vẫn gặp nhiều thuận lợi, lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Ninh Thuận ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, nhiều điểm đến trong tỉnh được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách như: Đèo Ngoạn mục; Tháp Pôklong Garai; Tháp Pôrômê; Tháp Hòa Lai; Vịnh Vĩnh Hy; biển Bình Sơn-Ninh Chữ; làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống; làng gốm cổ của đồng bào Chăm. Ngoài ra còn có các đặc sản ẩm thực “dê, cừu” được kỷ lục Guiness vinh danh trong năm 2016.

Ninh Thuận là điểm đến du lịch lý tưởng ảnh 1
Phong cảnh vịnh Vĩnh Hy tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tiềm năng du lịch của tỉnh được mọi người biết đến, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư. Nhờ đó hoạt động du lịch của tỉnh đã thực sự khởi sắc rõ nét và có chuyển biến theo từng năm. Riêng năm 2016, lượt khách đạt 1,7 triệu lượt, tăng 13,33% so với năm 2015, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 752 tỷ đồng, tăng gần 22,9% so với năm 2015. Du lịch cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho gần 7.000 lao động trực tiếp và trên 5.000 lao động gián tiếp, góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội tại địa phương.

Thấy được tiềm năng phát triển một cách bền vững của ngành "công nghiệp không khói" này, ngoài cơ chế, chính sách và sự quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung ương, của tỉnh, các thành phần kinh tế cũng đã mạnh dạn “đi tắt, đón đầu” đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Nhờ đó đến nay Ninh Thuận đã có 120 cơ sở lưu trú cao cấp và đạt chuẩn, với 2.544 phòng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của du khách.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại diện chủ đầu tư Resort AManơi tại Việt Nam cho biết, điều kiện để Ninh Thuận phát triển du lịch là không thiếu, nhưng cái thiếu cơ bản và cần phải thay đổi để đáp ứng là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch. Hiện Ninh Thuận chưa có nguồn nhân thực sự đủ khả năng đảm trách công tác du lịch, vẫn còn tình trạng mỗi người làm một cách, mỗi nhà làm một kiểu. Vì lẽ đó du lịch ở Ninh Thuận chưa phát triển đồng bộ, đây rõ ràng là một lãng phí lớn.

Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Để du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó “Xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch cả nước; đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực; tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GRDP của tỉnh, trở thành ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương vào năm 2020. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành vùng trọng điểm du lịch quốc gia gắn với việc xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch Ninh Thuận”.

Ninh Thuận là điểm đến du lịch lý tưởng ảnh 2
Ninh Thuận kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Để tạo sự chuyển biến, phát triển du lịch một cách bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; đổi mới nhận thức, tư duy trong phát triển du lịch; khuyến khích cộng đồng làm du lịch; tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng; phát triển các khu, tuyến điểm du lịch; mở hướng phát triển thị trường khách du lịch ở các nước trong khu vực và thế gới…

Tỉnh Ninh Thuận cũng rất chú trọng, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực như đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường giáo dục cộng đồng về kiến thức văn minh thương mại, văn minh ứng xử, tạo ra hành vi ứng xử phù hợp với các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính bổ trợ có thế mạnh gắn với công tác quảng bá, xúc tiến để du khách trong và ngoài nước sớm biết “Ninh Thuận là điểm đến du lịch lý tưởng”./.
Công Thử (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm