Ninh Thuận hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP

Ninh Thuận hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP
Măng tây xanh được Ninh Thuận xác định hỗ trợ đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Măng tây xanh được Ninh Thuận xác định hỗ trợ đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm cụ thể hóa đề án Chương trình OCOP, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, đảm bảo đạt được các mục tiêu của đề ra. Tỉnh xác định đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị. Từ đó, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Để sản xuất các sản phẩm có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Thuận sẽ cơ cấu lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, bài bản theo thứ tự ưu tiên. Để từ đó, xây dựng được các sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đi vào thị trường bền vững. Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, mục tiêu của tỉnh là triển khai và phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 trong 12 sản phẩm nằm trong danh sách sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được công nhận; trong đó, nâng cao giá trị từ 3 - 5 sản phẩm OCOP là nho, táo, tỏi, măng tây xanh và thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp có chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3 - 5 sao, được tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP được tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá... UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện để quản lý, điều hành thực hiện chương trình theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, thành lập hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện; xây dựng dự án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn cho tất cả cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP Ninh Thuận. Cùng đó, triển khai phát triển 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới, các sản phẩm dự kiến có thể phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh gồm có 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 5 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 1 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; 1 sản phẩm thuộc nhóm vải, may mặc; 4 sản phẩm thuộc nhóm trang trí, nội thất và 4 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm