Ninh Thuận hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Ninh Thuận hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Ngày 30/12, tại xã Vĩnh Hải và Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền địa phương của huyện Ninh Hải tổ chức nghiệm thu việc lắp đặt biển hiệu, quầy, kệ, mua sắm trang thiết bị phục vụ trưng bày và bán sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An và Hợp tác xã tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng.

Ninh Thuận hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ảnh 1Các giỏ quà OCOP được thiết kế bắt mắt, giá cả hợp lý, sản phẩm đảm bảo chất lượng và mang đặc trưng riêng của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Bạch Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm góp phần hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP, chi cục đã hỗ trợ kinh phí gần 200 triệu đồng (50% kinh phí còn lại là vốn đối ứng của chủ thể thụ hưởng) cho hai hợp tác xã trên mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Với nguồn vốn trên, Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Thuận đã hỗ trợ lắp đặt biển hiệu, đảm bảo theo thiết kế mẫu đúng với quy định của Bộ Công Thương; đồng thời hỗ trợ quầy, kệ và một số trang thiết bị... để phục vụ trưng bày, bảo quản và bán sản phẩm OCOP theo số lượng, quy mô của điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian qua, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP cũng như hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn hạn chế; trong đó, việc hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn ít, số lượng chưa đáng kể, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của các địa phương.

Việc hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP lần này là điều kiện cần thiết đểt ừng bước hình thành hệ thống các điểm phân phối sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiện có và các sản phẩm OCOP mới trong tương lai; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các đơn vị thụ hưởng có thêm cơ hội quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của đơn vị, tiếp cận nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân. Từ đó, có chiến lược thay đổi phương thức sản xuất về công nghệ, mẫu mã chủng loại, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng; đồng thời tăng cường kết nối, hợp tác trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có điều kiện tìm hiểu, sử dụng, trải nghiệm hàng hóa, dịch vụ đặc trưng, chất lượng do người dân trong tỉnh sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung ngày càng phát triển.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chính thức được triển khai từ giữa năm 2019, đã thu hút nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của các địa phương trong tỉnh.

Sau khi được triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đáng kệ vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm