Ninh Thuận: Hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp

Ninh Thuận: Hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp
Thôn Tầm Ngân 2 có 278 hộ với 1.262 khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, chủ yếu là người K’Ho, Raglai. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 chiếm 35%, phương thức sản xuất kinh tế chủ yếu của người dân là làm ruộng nước, trồng bắp, chăn nuôi dê, cừu nhỏ lẻ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Dự án trên được thực hiện trong ba năm (2014 - 2017) trên các lĩnh vực: tăng năng xuất nông nghiệp; hợp đồng canh tác ớt với CJ; hình thành khả năng tự chủ của cộng đồng và cải thiện môi trường sống. Chương trình xây dựng dự án dựa trên cơ sở kinh nghiệm thành công của phong trào làng mới “Saemaul” tại Hàn Quốc, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao thu nhập bằng mô hình phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp, góp phần làm sạch vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục… 

Ban điều phối dự án đã cử các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ Hàn Quốc đến thôn Tầm Ngân “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn người dân cách làm kinh tế thông qua mô hình Hợp tác xã dịch vụ chuyên canh trồng ớt, tạo động lực để nông dân đẩy mạnh sản xuất và thu hoạch các sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa đồng bộ để người dân thấy rõ lợi ích, tham gia tích cực phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân, ông Dà Droách Ha Khiết cho biết, Tập đoàn CJ cung cấp 16 giống ớt mới, vật tư, tư vấn kỹ thuật cho 39 xã viên Hợp tác xã tham gia trồng thử nghiệm ớt trên diện tích 15 ha; đồng thời cam kết thu mua 100% sản lượng ớt theo giá cả thị trường để xã viên yên tâm sản xuất. Các kỹ sư nông nghiệp của CJ hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng ớt, làm đất, sử dụng phân, thuốc nông nghiệp hướng dẫn cách lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, sâu bệnh để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Giống ớt Hàn Quốc từ lúc trồng đến tháng thứ tư thì bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch ớt khoảng thời gian để tái tạo đất, người dân có thể trồng các loại cây khác. Ớt là loại cây trồng không chỉ cho thu hoạch mà cải tạo thành phần của đất rất tốt. 

Ông Soh Ao Ha Thủy thành viên hợp tác xã chia sẻ, qua vụ ớt thứ hai, ông càng làm càng thích, nhà có 2,5 sào ớt cho thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ, trước đây nhà trồng bắp lúc được lúc không, thiếu ăn phải vay tiền để sống khi có thu hoạch thì mình cũng hết bắp. Từ khi chuyển sang trồng ớt của dự án hợp tác xã, thu nhập cao hơn, làm cũng khỏe hơn, mong muốn có thêm nhiều mô hình trồng dưa leo, cà chua, đậu để làm ăn khá hơn. Ông Dà Droách Ha Khiết còn cho hay, để hỗ trợ sản xuất, hợp tác xã thành lập ngân hàng nông cụ, mua sắm các loại máy cày, máy xới, máy rửa, máy sấy để cho thuê; sử dụng nguồn lợi nhuận từ việc cho thuê máy để lập quỹ cho hoạt động độc lập; đồng thời tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp, cung cấp vật tư bảo đảm chất lượng cho xã viên với giá thấp thị trường. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn cho xã viên vay vốn khuyến nông với lãi suất thấp để dùng vào những lúc khẩn cấp trong cuộc sống, dùng để đầu tư mở rộng sản xuất. Sau khi bán sản phẩm sẽ thanh toán các khoản vay cho hợp tác xã. Hợp tác xã cũng đã thành lập ngân hàng gia súc, hỗ trợ chăn nuôi theo phương thức xoay vòng. 

Dự án cũng đã triển khai đầu tư kết nối hệ thống nước sạch tới 278 hộ gia đình, các trường mẫu giáo, trường tiểu học, xây nhà vệ sinh, xây trụ sở làm việc thôn, sân phơi lúa. Hàng tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, ban điều phối dự án cùng hợp tác xã mở các lớp giáo dục nông nghiệp hướng dẫn cách nuôi lợn, dê, ủ phân, trồng bắp, mở các lớp dạy tiếng Hàn Quốc, tiếng Việt. Đồng thời, tổ chức dọn vệ sinh, chiếu phim, giao lưu văn hóa với người dân trong thôn tạo không khí lao động, sinh hoạt rất phấn khởi. Một số hộ trong thôn ban đầu còn lưỡng lự chưa tin vào hiệu quả của dự án, sau những thành công bước đầu của dự án đã mạnh dạn xin được vào hợp tác xã và nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ rất hiệu quả. 

Theo ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được thực hiện một cách sâu rộng đến từng thôn, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng. Qua hai năm thực hiện, dự án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của bà con vùng cao trong việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất rất chuyên nghiệp, bài bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo. Từ các chương trình giao lưu văn hóa, học tập cách sinh hoạt, lối sống chuyển biến tích cực, người dân năng động hơn, trình bày nguyện vọng chính đáng, đóng góp ý kiến nhiều hơn với chính quyền; đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2016, đạt thêm 2 tiêu chí, y tế và cơ sở vật chất văn hóa. 

Mô hình Hợp tác xã trồng ớt ở thôn Tầm Ngân 2 thành công, tỉnh Ninh Thuận sẽ nghiên cứu nhân rộng sang các các huyện khác. Dự kiến cuối năm 2016, tập đoàn CJ sẽ xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói các sản phẩm, một phần dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số lượng còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc. 

Tỉnh Ninh Thuận hiện đang hỗ trợ tích cực cho các chuyên gia, đoàn tình nguyện viên của Koica, CJ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao nhất./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm