Ninh Thuận có 61/69 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao

Ninh Thuận có 61/69 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao

Trong hai ngày 17-18/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đánh giá, thẩm định, chấm điểm và phân hạng 69 sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2020.

Ninh Thuận có 61/69 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao ảnh 1 Các thành viên Hội đồng tập trung đánh giá, phân hạng sản phẩm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo ông Phạm Văn Hậu - Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận, trong đợt này, Hội đồng đã tiếp nhận 69 sản phẩm của chủ thể là các huyện và thành phố trong tỉnh sau khi được công nhận ở cấp huyện; trong đó huyện Ninh Hải có 16 sản phẩm, Thuận Bắc 3, Ninh Sơn 13, Bác Ái 2, Ninh Phước 14, Thuận Nam 7 và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 14 sản phẩm.

Để khách quan trong việc chấm và phân hạng sản phẩm, Hội đồng đánh giá đã phát phiếu chấm điểm cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu đánh giá, chấm điểm theo quan điểm của từng người. Qua đánh giá 69 sản phẩm, có 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 61 sản phẩm còn lại đạt từ 3 - 4 sao.

Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ làm hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Dự kiến đầu tháng 12 tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến cung - cầu; đồng thời trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét, Ninh Thuận là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam… và có tiềm năng phát triển thành sản phẩm của quốc gia, đạt OCOP 5 sao.

Thời gian tới, ngoài sản phẩm đã được công nhận, các địa phương trong tỉnh cần triển khai kế hoạch đã được phê duyệt về phát triển sản phẩm OCOP; khai thác thêm tiềm năng sản phẩm khác để có cơ chế hỗ trợ, phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao hoặc 4 sao; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, homestay, mô hình sản xuất nông nghiệp mới… mà các địa phương có lợi thế để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các chủ thể sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm; trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, các chủ thể phải chịu trách nhiệm chính về sản phẩm của mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong thời gian tới.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm