Niềm vui khi điện về phum sóc

Niềm vui khi điện về phum sóc
Điện kéo đến đâu, xóm, ấp thay đổi và phát triển đến đó. Khắp các phum, sóc mùa này luôn rộn vang tiếng nhạc ngũ âm như đang chào đón vụ mùa bội thu, mừng cuộc sống no ấm, hạnh phúc nhất là khi đêm về với ánh điện bừng sáng khắp nơi. Đường về ấp Nam Chánh, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề hôm nay đã được trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà mọc lên san sát như tô điểm vùng quê đang “thay da đổi thịt”.
 
Niềm vui khi điện về phum sóc ảnh 1
Cắt băng khánh thành Dự án điện.
Sau nhiều năm tích lũy, bà Thái Thị Lan, ngụ ấp Nam Chánh, thị trấn Lịch Hội Thượng mới cất được căn nhà kiên cố, tuy nhỏ, nhưng khang trang ấm cúng. Niềm vui như được nhân lên khi gia đình bà được kéo điện vào tận nhà, được lắp điện kế miễn phí, ngành điện hỗ trợ 1 bảng điện, 5 m dây dẫn và bóng đèn compact tiết kiệm điện. 

Bà Lan chia sẻ, lúc chưa có điện, khi đêm xuống là cả xóm tối mù, tối mịt. Từ khi có điện, chẳng những nhà sáng, mà đường làng ngõ xóm cũng sáng. Nay nhà ai cũng có ti vi, quạt máy, không sợ buồn, không sợ nóng nữa... Giờ đây, trên khắp các vùng quê Sóc Trăng, đâu đâu cũng xuất hiện những con đường được trải nhựa, bê tông. Những phum sóc xa xôi, cách trở, giờ đã bừng sáng ánh điện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân Khmer khắp vùng nông thôn không ngừng được nâng lên, tất cả đều có phần đóng góp không nhỏ từ Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng”. 
 
Niềm vui khi điện về phum sóc ảnh 2
Lắp đặt trạm biến thế.

Không chỉ cung cấp điện sinh hoạt nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer, điện còn góp phần phục vụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm giá thành trong sản xuất, tạo điều kiện bơm tưới để mở rộng diện tích hành tím đặc sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể ở các địa bàn trọng điểm nuôi tôm, trồng màu như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên... Ông Sơn Tôl, ở phường Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu), cho biết, từ khi có điện, chi phí sản xuất của gia đình đã giảm đến 50%. Trước đây, các hộ dân chưa có điện phải dùng dầu chạy quạt oxy nuôi tôm, một tháng chạy 2 ao tôm lên tới 120 lít dầu, còn nay chạy điện cả tháng hết chừng một triệu đồng. 
 
Niềm vui khi điện về phum sóc ảnh 3
Các hộ đều được lắp đặt đồng hồ đo điện miễn phí.

Còn ở xã Thuận Hưng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất nhì của huyện Mỹ Tú, bà con cũng rất phấn khởi vì có điện rồi làm ruộng cũng đỡ cực hơn, khoai đậu tăng, nhà có thêm thu nhập. Nhiều hộ nuôi thêm bò, tăng đàn heo, cải tạo vườn ao chuồng. Có điện cũng giúp bà con xem ti vi biết được tin tức mọi nơi, nâng cao hiểu biết, nâng cao cảnh giác giữ gìn an ninh trật tự trong xóm ấp, phum sóc. Với không ít hộ nông dân, việc xem các chương trình khuyến nông trên truyền hình đã trở thành thói quen, rất thiết thực, hữu ích, hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, thâm canh cây trồng, vật nuôi, làm vườn ao chuồng năng suất, hiệu quả hơn... 

Có thể bạn quan tâm