Nhường đất cho thủy điện Đăk Đrinh, người dân mòn mỏi chờ tiền đền bù

Nhường đất cho thủy điện Đăk Đrinh, người dân mòn mỏi chờ tiền đền bù
5 năm mòn mỏi đợi chờ

Những ngày qua, người dân làng Tu Rét, xã Đăk Nên có “thông báo” cho người dân 2 làng Vương và Xô Luông không được tái sản xuất trên đất rẫy của chính họ. Điều trái ngược này đến từ việc 5 năm trước, người dân làng Tu Rét đã nhường diện tích rẫy trên để dự án thủy điện Đăk Đrinh tái định canh, định cư cho người dân 2 làng Vương, Xô Luông (xã Đăk Nên).

Già làng A Tăng cho biết, việc người dân làng Tu Rét cấm người của 2 làng Vương và Xô Luông sản xuất trên đất rẫy vì đất này 5 năm trước, Nhà nước đã thu hồi để cấp lại cho người dân hai làng này. Khi thu hồi, Nhà nước chi trả tiền hoa màu nhưng tiền đất đến nay vẫn chưa chi trả.

Rẫy của dân làng Tu Rét xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) bị thu hồi và cấp cho dân làng Xô Luông, Vương sản xuất vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN
Rẫy của dân làng Tu Rét xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) bị thu hồi và cấp cho dân làng Xô Luông, Vương sản xuất vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Theo anh A Rum, Trưởng làng Tu Rét cho biết: Cả làng có 36 hộ nhường đất cho thủy điện Đăk Đinh để cấp lại cho người dân các làng Vương và Xô Luông. Mỗi hộ nhường từ 1 ha đến hơn 10 ha. Hiện một số hộ do tách khẩu nên thiếu đất sản xuất, phải bỏ làng đi làm xa.

Ông Võ Hưng Hải, làng Tu Rét, xã Đăk Nên cho biết thêm: Cách đây 5 năm, Nhà nước thu hồi đất của gia đình để cấp cho người dân lòng hồ lên trên này. Người dân ủng hộ, nhường cơm sẻ áo để cấp đất cho các hộ ở làng Vương. Tuy nhiên 5 năm qua, người làng Vương trồng keo, họ đã thu hoạch còn người dân trong làng thì không được đền bù.

Việc người dân làng Tu Rét không cho người dân hai làng Xô Luông và Vương tái sản xuất trên đất rẫy được cấp khiến họ không thể canh tác.

Liên quan đến vụ việc, ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plông thừa nhận: Nhiều năm qua bức xúc của người dân là chưa nhận tiền đền bù, đặc biệt là nhân dân làng Tu Rét. Người dân đã có ý kiến, huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum đã làm việc với chủ đầu tư thủy điện Đăk Đrinh nhưng đến nay họ vẫn chưa trả tiền đền bù đất cho nhân dân.

Đìu hiu làng tái định canh, định cư

Sau khi nhường diện tích đất phù sa, đất tốt cho thủy điện Đăk Đrinh tích nước, đi vào hoạt động (năm 2014), người dân ở 3 làng Vương, Xô Luông và Tu Rét của xã Đăk Nên đã được tái định cư tại nơi ở mới. Một “đô thị” mới được hình thành với những mái nhà xây vội, mọc san sát nhau khiến cuộc sống nơi đây càng trở nên ngột ngạt.

Vì không có diện tích bằng phẳng nên “đô thị” mới được xây dựng từ các đỉnh núi được san ủi lấy mặt bằng. Tại đây, địa hình đồi núi, chia cắt nên việc tìm mặt bằng lớn để định cư cho người dân rất khó, vì vậy, diện tích nhà, khuôn viên vườn khá chật. Những ngày đầu khi về làng mới, được nhận tiền hỗ trợ nên cuộc sống của dân trong thời gian đầu tạm ổn định. Tuy nhiên, sau gần 5 năm định cư, dường như nơi ở mới đã trở nên “ngột ngạt” vì sự gò bó, không có đủ nương rẫy để nhân dân làm.

Nhiều nhà ở khu tái định cư của làng Vương xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) bỏ hoang. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN
Nhiều nhà ở khu tái định cư của làng Vương xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) bỏ hoang. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Theo anh A Rum, Trưởng làng Tu Rét, xã Đăk Nên: Quanh đây đều là rừng, người dân chấp hành rất tốt, không phá rừng. Đất rẫy đã nhường cho làng khác, giờ thiếu đất nên cuộc sống của người dân càng nghèo, không phát triển được. Hiện nay có một số người dân làng Tu Rét phải đi làm thuê để kiếm sống.

Ngoài ra, tại các khu tái định canh, diện tích đất ruộng nước cấp cho người dân (2 sào/hộ) không tốt, thiếu nước. Cụ thể, làng Vương có 35 hộ nhưng chỉ có 4 hộ là canh tác được lúa nước.

Anh A Bảy, người dân làng Vương cho biết: Cả làng chỉ có 4 hộ trồng lúa nước, số diện tích còn lại bỏ hoang. Nước về ruộng rất ít, yếu. Vừa qua kênh mương thủy lợi bị sạt lở, gây hư hỏng nên ruộng thiếu nước, không làm được...

Dạo quanh các khu tái định cư của thủy điện Đăk Đinh, các dãy nhà nơi đây chủ yếu bỏ hoang. Một số hộ bỏ làng mới, trở về làng cũ bất chấp hiểm nguy rình rập vì trong vùng ngập.

Theo ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, kiêm phó Ban quản lý di dân huyện Kon Plông cho biết: Mặc dù thủy điện Đăk Đrinh đã đi vào vận hành từ năm 2014 nhưng đến nay chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh chưa cấp đủ vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất nhằm phục vụ công tác tái định canh, định cư.

Hiện dự án đã nợ hơn 40 tỷ đồng tiền bồi thường đất tái định canh cho người dân (với 192 ha, trong đó làng Tu Rét là 84 ha đất nương rẫy, còn lại là đất của các tuyến đường đi vào khu sản xuất, đường vận hành thủy lợi). Trong 5 năm qua, vì chưa được đền bù đất sản xuất nên cuộc sống của các hộ dân tái định cư nơi ở mới rất khó khăn, không ổn định, thiếu bền vững. Một số hộ đã quay về nơi ở cũ sinh sống ven lòng hồ, ở vị trí có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là trong mùa mưa bão ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thời gian qua, những hộ dân bị thu hồi đất, các hộ đã bố trí tái định cư, tái định canh bức xúc và khiếu kiện, khiếu nại nhiều lần lên cấp chính quyền, gây mất an ninh.

Chính quyền địa phương từ xã, huyện và tỉnh Kon Tum rất quan tâm và nhiều lần làm việc với các bộ, ngành Trung ương và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh nhằm tập trung vốn chi trả cho người dân càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi bồi thường, huyện Kon Plông cũng đang tập trung tuyên truyền vận động, kết hợp các chương trình, chính sách, mục tiêu của địa phương lồng ghép vào chương trình hỗ trợ sau khi tái định cư thủy điện để nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân sau khi tái định cư lên nơi ở mới. Sự chậm trễ trong công tác bồi thường cho người dân tại thủy điện Đăk Đrinh gây khó khăn cho huyện Kon Plông trong suốt thời gian qua, ông Trương Văn Minh thừa nhận.

Dự án thủy điện Đăk Đrinh được khởi công từ tháng 9/2009. Nhà máy có công suất 125MW, nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án, có 192 hộ, với 843 khẩu ở xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) phải nhường đất cho công trình để đến khu tái định cư nơi ở mới.
 
Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm