Những vần điệu - tục ngữ (phuối pác) của người Tày

Những vần điệu - tục ngữ (phuối pác) của người Tày

Tục ngữ Tày khá phong phú, ở góc nhìn nào về cuộc sống cũng có thể bắt gặp những câu đúc kết, răn dạy của cha ông. Nói về sự ham hố, người Tày nói: Hên bấu che cáy (Cáo không chê gà). Điều này ám chỉ đặc tính của những tên yêu râu xanh và kẻ ích kỉ.

Dân ca, ca dao của người Tày rất mượt mà, phong phú.
Dân ca, ca dao của người Tày rất mượt mà, phong phú.

Có những lời nói thành bài, đủ vần điệu: Nổc cốt quá cằn nà đoải đoải/Mẻ nhình chạn hết phải pền slưa/Pỏ chài chạn thây phưa pền nạn (Bìm bịp đủng đỉnh qua bờ ruộng/Đàn bà lười dệt vải thành hổ/Đàn ông lười cày bừa thành hươu). Có thể thấy đây là tư duy, là quan niệm của người Tày xưa trong khuôn khổ cuộc sống gắn với canh tác nông nghiệp, lối sống tự cung, tự cấp. Lấy nghề nông làm kế sinh nhai duy nhất, cổ nhân coi trọng phẩm chất cần cù, lấy sự chuyên cần, lao động làm thước đo giá trị con người. Lời nói cũng thể hiện sự phân công lao động rất rõ trong gia đình: việc cày bừa (tượng trưng cho những việc lớn) do người đàn ông đảm nhận; chăm lo gia đình, nữ công gia chánh là của người phụ nữ.

Nhận diện bản chất con người, cổ nhân có câu: Pác van toọng slổm (Lời ngọt bụng chua); Phạ đăng ngùm ngùm phạ đăng phân, cần cảng ngùm ngùm cần slẩy khôn (Trời ầm ì sấm trời sắp mưa, người nói lầm bầm người xấu bụng).

Về kinh nghiệm thời tiết, có những câu tục ngữ khá thú vị. Nhìn bầu trời,  màu trời, dân gian cũng đoán được hiện tượng thời tiết sẽ diễn ra: Quằng lếch noòng, quằng toòng lẹng (Vòng sắt thì lụt, vòng đồng thì hạn); Phả phạ kẻo mừa Keo, khẩu tèo khửn các/Phả phạ kẻo mừa Hác, khẩu thác chàn (Mây kéo về Nam, thóc chạy lên gác/Mây kéo về Bắc, đổ thóc ra sàn phơi).Ý là: khi có nhiều đám mây đen kéo về hướng Nam, ai đang phơi thóc lúa phải dọn ngay; còn khi mây kéo về Bắc, cứ việc đổ thóc ra phơi.

Về kinh nghiệm sản xuất, người Tày có câu: Rẩy óm chà, nà óm nặm (Rẫy ủ cành, ruộng dầm nước), nghĩa là làm rẫy thì ủ cành lá cho mục, cho khô để đốt lấy gio làm phân bón cho cây trồng; còn làm ruộng thì ngâm nước cho đất ngấu. Kinh nghiệm trồng lúa nước kịp thời vụ có ảnh hưởng rất lớn đến thu hoạch: Slíp co lả bấu tấng hả co hua (Mười cây mạ cấy muộn không bằng năm cây mạ cấy sớm); Đăm nà tẳm ngoảng á, khẩu bấu quá ngài chiêng (Cấy ruộng tới lúc ve ran, gạo không qua cơm tết). Trong kinh nghiệm trồng lúa nước, thời điểm cày cấy rất quan trọng, gần như quyết định sự được mất của cả vụ mùa nên bà con cũng rất coi trọng việc cày ải, phơi đất. Tháng Tư, tháng Năm mới cấy nhưng ruộng phải cày ải từ cuối năm trước: Thây nà lập đông, khẩu thuổm chang tổng, lậm cằn nưa phưa cằn tẩư (Cày ruộng lập đông, lúa ngập đầy đồng, nặng trĩu đan nhau bờ trên bờ dưới)…

Trong quan hệ gia đình, lòng biết ơn, sự coi trọng đấng sinh thành được giáo dục qua cách đúc kết cô đọng: Khúy mạ bấu tả pài pẳng lăng (Cưỡi ngựa không quên họ ngoại), ý nói khi con cái đã trưởng thành, làm ăn phát đạt, trở nên sang giàu (có ngựa để cưỡi) không được quên người mẹ đã sinh ra mình. Hoặc câu: Khúy mạ khửn keng chắng chắc công pèng pỏ mẻ (Cưỡi ngựa lên đèo mới biết công lao cha mẹ). Có lẽ, từ sự khó nhọc leo từng bước lên đèo dốc (ngày xưa là đường mòn, xuyên qua núi rừng) của con ngựa thồ người trên lưng mà người Tày liên tưởng đến sự khó nhọc của người làm cha, làm mẹ, cũng nặng nhọc, vất vả làm lụng, chăm bẵm những đứa con cho tới ngày trưởng thành. Dân gian cũng cảnh báo, phận làm con không biết vâng lời sẽ không thể có tương lai tốt đẹp: Mu bấu khảu coọc khỉ slưa, lủc bấu tỉnh pỏ mẻ sằn lứ (Lợn không vào chuồng sẽ làm mồi cho cọp, con không vâng lời cha mẹ sẽ hư hỏng)…

Tình chồng vợ được đề cao ở sự nhẫn nhịn, thuận hòa, chăm chỉ lao động: Phua mìa điếp căn, mì kin quá slí (Vợ chồng yêu thương nhau, suốt đời no ấm); Mìa đá phua bấu dăng sắc ỷ, phua đá mìa đắc đỉ hất kin (Vợ mắng chồng lặng im, chồng mắng vợ lặng thầm làm lụng); Phua chạn mìa thai dác, mìa chạn phua slửa khát pậu khua (Chồng lười vợ chết đói, vợ lười chồng rách rưới người cười)… Tình anh em, chị em ruột thịt cần được trân quý: Van bấu quá nựa pất, chếp điếp bấu quá pả nả (Ngon không gì bằng thịt vịt, thân thiết không gì bằng chị em ruột); Phân tốc chắng hăn tảc, thai dác chính hăn pỉ noọng (Mưa xuống mới thấy vắt, đói khát mới thấy anh em).

Trong quan hệ xã hội, có nhiều câu tục ngữ phản ánh sự bất bình của nhân dân trước nạn quan tham, nhũng nhiễu: Hoi tầư ná kin ngầư (Ốc nào chẳng ăn cặn); Pỏ quan hăn kiện, khỉ diên hăn cúa (Quan thấy kiện như nghiện thấy của); Xẩư quan khỏ, xẩư mỏ mièm (Gần quan thì khó, gần nồi thì nhọ)…

Cách ứng xử lễ độ, khiêm nhường, cẩn trọng được chuyển tải qua sự đúc kết: Kin nặm lèo kẹo (Uống nước cũng phải nhai); Ma queng tắng chắng nẳng, cần cà dằng cỏi phuối (Chó quanh ghế mới ngồi, người đắn đo hãy nói). Nhắc nhở người không được huênh hoang, tự mãn trước tri thức của mình, cổ nhân nói: Chắc bấu đảy kỷ lai, quai bấu đảy thuổn (Biết không được bao nhiêu, khôn không bao giờ đủ). Câu này giống như câu châm ngôn phương Tây: “Những gì ta biết chỉ là hạt cát, những gì ta chưa biết là cả đại dương”.

Dạy người sống trung thực, không sa vào con đường trộm cắp, gian manh, cổ nhân không nói dài, chỉ kết luận ngắn gọn: Hất ngay kin bấu lẹo, cổt kẹo kin bấu đo (Làm ăn đường hoàng ăn không hết, làm ăn gian giảo chẳng đủ no); Hất lẳc bấu kin đo, pây xo bấu kin ím (Ăn trộm không đủ no, ăn xin không hết đói)…

Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy ngôn ngữ Tày rất linh hoạt, uyển chuyển; tư duy Tày chân chất, mộc mạc và cũng không kém phần thi vị; mảng tục ngữ là những lời đúc kết ngắn gọn mà thâm thúy, giản dị nhưng sâu sắc. Đây là những bài học thấm thía giúp con người định hướng lối sống, tư duy, cách ứng xử, lao động, góp phần làm cho xã hội ổn định, tốt đẹp và bình yên.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm