Những vấn đề thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2015

Những vấn đề thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2015

Theo đó, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu thông tin trên website của trường dự kiến đăng ký xét tuyển: tìm thông tin chính xác về các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành và chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của từng ngành (thông tin này còn có trong tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, đại học 2015” đăng trên www.moet.gov.vn hoặc www.thi.moet.edu.vn ). Nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành thì phải tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. Thí sinh cũng cần tìm hiểu các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà trong danh sách đăng ký xét tuyển vẫn còn nhiều thí sinh có điểm bằng điểm dự kiến trúng tuyển. Đồng thời, tham khảo điểm trúng tuyển của các năm trước vào ngành dự kiến đăng ký xét tuyển; ghi số điện thoại tư vấn tuyển sinh của trường để liên hệ tư vấn khi có bất cứ vấn đề nào chưa rõ… 

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quý Trung- TTXVN
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quý Trung- TTXVN

Căn cứ vào phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, thí sinh so sánh kết quả điểm của mình với kết quả điểm thi của những thí sinh khác trong cùng tổ hợp để lựa chọn trường phù hợp với kết quả thi của mình (trường có điểm trúng tuyển những năm trước ở mức cao, thấp hay trung bình). Thí sinh nên lựa chọn nhiều hơn một trường và xếp thứ tự ưu tiên để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời. Sau khi đã chọn được trường phù hợp, thí sinh nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng, nếu cần thiết.

Nếu thí sinh ở xa trường đăng ký xét tuyển thì cần chuẩn bị giấy ủy quyền rút hồ sơ cho người có thể trợ giúp việc rút hồ sơ khi cần thiết. Mẫu giấy uỷ quyền cần ghi rõ các thông tin về thí sinh ủy quyền ghi trên Phiếu Đăng ký xét tuyển và họ, tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của người được ủy quyền.

Hồ sơ xét tuyển bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ 4 ngành của một trường đăng ký xét tuyển được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 (có thể lấy mẫu phiếu này trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc một số báo mạng khác); Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi phù hợp với đợt xét tuyển (có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi); 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ của thí sinh. 

Về cách thức nộp hồ sơ, trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên) hoặc nộp trực tiếp tại trường. Nếu gửi qua bưu điện thì ngày ghi trên dấu bưu điện nơi nhận hồ sơ phải trong thời hạn của đợt xét tuyển. Các hình thức nộp hồ sơ nêu trên đều có giá trị như nhau. 

Thời gian nộp hồ sơ: Đợt I từ ngày 1 đến 20/8; xét tuyển nguyện vọng bổ sung Đợt I từ ngày 25/8 đến ngày 15/9; Bổ sung Đợt II từ ngày 20/9 đến 05/10; Bổ sung Đợt III từ ngày 10 đến 25/10 (kết thúc nhận hồ sơ Đăng ký xét tuyển trình độ đại học); Bổ sung Đợt IV từ ngày 31/10 đến 15/11 (kết thúc nhận hồ sơ đăng ký đại học trình độ cao đẳng). 

Thí sinh cần lưu ý: Khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên và nộp kèm theo hồ sơ minh chứng về chế độ ưu tiên. Nếu nộp hồ sơ và lệ phí trực tiếp tại trường, thí sinh được trường cấp biên lai thu lệ phí xét tuyển. 

Đối với đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường với tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên vào 4 ngành khác nhau. Đối với các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể sử dụng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào ba trường khác nhau, mỗi giấy này cũng được đăng ký 4 nguyện vọng. 

Nếu không trúng tuyển thì sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào đợt xét tuyển tiếp theo. 

Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang ngành nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4. Trong 4 nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành đại học và cao đẳng (nếu trường có đào tạo cao đẳng).

Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh cần thường xuyên theo dõi danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường để có thể rút hồ sơ nộp sang trường khác (nếu cần thiết) trong thời gian xét tuyển đợt I (Quy chế tuyển sinh quy định ít nhất 3 ngày 1 lần, các trường công bố trên website của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp kết quả thi từ cao đến thấp giúp thí sinh phán đoán được khả năng trúng tuyển của mình). Trường hợp rút hồ sơ chuyển sang trường khác, thí sinh được lựa chọn đến trường rút trực tiếp hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người thân đến trường rút hồ sơ. 

Nếu đã thuộc danh sách trúng tuyển, thí sinh không được đăng ký xét tuyển các đợt sau và nên chuẩn bị hồ sơ nhập học theo quy định của trường./. 



Có thể bạn quan tâm