Những tấm gương tỏa sáng nơi huyện nghèo biên giới

Những tấm gương tỏa sáng nơi huyện nghèo biên giới
Ông Lộc Văn Yên (mặc áo trắng ngồi giữa từ trái sang phải) là người tiếp lửa cho phong trào khuyến học ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN phát
Ông Lộc Văn Yên (mặc áo trắng ngồi giữa từ trái sang phải) là người tiếp lửa cho phong trào khuyến học ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN phát

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết trên địa bàn huyện có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những người có uy tín ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng dân cư, bởi họ là những người am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào.

Già làng Hơ Văn Di, dân tộc Mông, trú tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn thường xuyên đi kiểm tra cột mốc suốt quãng đường 30 km vùng biên giới của xã Na Mèo (tiếp giáp nước bạn Lào). Hằng ngày, ông đi cùng cán bộ, chiến sĩ  Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đến từng nhà dân, vận động dân bản nâng cao cảnh giác, phòng ngừa đấu tranh việc truyền đạo trái phép và các loại tội phạm ma túy.

Nâng niu tấm bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng tại lễ tuyên dương người uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu người dân tộc tiểu số toàn quốc năm 2017, ông Hơ Văn Di cho biết: “Hơn 10 năm về trước, nhiều người ở bản Ché Lầu đã nghe theo kẻ xấu lén lút trồng cây thuốc phiện nơi rẫy xa. Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc, phát hiện thấy rẫy trồng cây thuốc phiện, ông cùng cán bộ chính quyền, đoàn thể đến từng gia đình vận động, phân tích cho đồng bào hiểu tác hại của việc trồng cây thuốc phiện để người dân tự nguyện chặt bỏ. Đồng thời, ông còn hướng dẫn đồng bào trồng cây dược liệu, cây rau màu khác để ổn định cuộc sống”.

Còn tại bản Hát, xã Tam Lư, ông Lộc Văn Yên ( 71 tuổi) là người "tiếp lửa" cho phong trào khuyến học ở địa phương. Ông không chỉ nuôi dạy các con học hành thành đạt mà còn vận động các hộ gia đình trong dòng họ thành lập Chi hội dòng họ khuyến học đầu tiên ở xã Tam Lư với hơn 50 hộ tham gia.

Hiện các gia đình tham gia Chi hội dòng họ khuyến học không có con cháu bỏ học và đã có hơn 40 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đa số các cháu ra trường đều có việc làm ổn định; mô hình dòng họ Lộc khuyến học đang được các thôn, bản khác học tập, làm theo.

Ngoài ra, ông Lộc Văn Yên còn tuyên truyền, vận động người dân, các nhà hảo tâm chung tay xây dựng nhà bán trú cho học sinh Trường Trung học cơ sở xã Tam Lư. Hiện nay, trường đã có nhà bán trú kiên cố, sân bê tông rộng 1.200 m2, cùng nhiều trang thiết bị phòng ăn, nhà đa năng trị giá hàng trăm triệu.

Cũng là một người uy tín tiêu biểu ở địa phương, già làng Hà Thu Thai (74 tuổi, dân tộc Thái), bản Chiềng Sầy, xã Trung Hạ được bà con bầu làm người có uy tín. Những năm trước đây, ông Thai luôn năng nổ, nhiệt huyết và gương mẫu đi đầu trong công tác xã hội.

Nhờ có vai trò vận động, tuyên truyền của ông Thai, bản Chiềng Sầy đã có con đường dài gần 700 m, rộng 4 m mới trải bê tông. Ngoài ra, ông còn hiến 69 ngàn m2 đất, đóng góp 355 triệu đồng và 800 ngày công để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở khu dân cư.

Hiện đời sống của người dân trong bản đang từng bước được nâng cao, bản Chiềng Sầy có số hộ nghèo chiếm 27,8% vào năm 2015, tới nay đã giảm còn 4,5%.

Ngoài huyện Quan Sơn, các huyện miền núi khác ở Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước cũng có nhiều tấm gương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, họ đã khẳng định vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống, là cầu nối vững chắc của Đảng với nhân dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm