Những sắc thái của pơtual

Những sắc thái của pơtual
Hóa trang của pơtual vô cùng độc đáo. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hóa trang của pơtual vô cùng độc đáo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Pơtual là nhân vật đặc biệt thường làm trò trong mỗi dịp lễ hội của người Jrai, Bahnar. Tùy vào cách hóa trang để nhận ra vai trò của họ. Những pơtual múa hề (xoang bram) thường chỉ bôi một lớp đất sét, gắn thêm chiếc đuôi, miệng ngậm vật tròn để tăng biểu cảm trên gương mặt. Những pơtual múa rối (xoang brim) thường hóa trang cầu kỳ hơn bằng những bộ rễ cây long mun (rễ cây si), lá chuối khô, bao tải rách, đeo mặt nạ mèo hoặc mặt nạ khỉ. Những bram, brim này được gọi chung là pơtual. Họ thường đi trước đội chiêng và xoang, làm người xem phấn khích ngay giây phút đầu tiên xuất hiện.

“Pơtual là những người đặc biệt cả trên sân khấu lẫn ngoài đời thực. Rất hiếm người được chọn làm pơtual. Phải là những người có năng khiếu làm cho người xem buồn đó nhưng cũng vui ngay đó”, anh Y Xô - người dẫn dắt đội chiêng trẻ của xã Hà Tây (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), cho biết.

Pơtual của đội chiêng trẻ xã Hà Tây vừa tiến vào sân khấu của Hội thi biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng học sinh toàn huyện lần thứ II-năm 2015, lập tức có những tràng vỗ tay và tiếng huýt gió tán thưởng từ khán giả. Đội chiêng trẻ biểu diễn bài “Mừng lúa mới” nên những pơtual có nhiệm vụ phụ họa, làm cho không khí thêm hân hoan trong niềm vui no ấm. Bram chào khán giả bằng điệu đi của khỉ, của những con vật, của người thọt chân, của thằng gù... Những chiếc lắc hông của bram khiến chiếc đuôi dài gắn phía sau lẫn phía trước lúc lắc theo từng chuyển động. Cơ thể lúc uyển chuyển, mềm mại như một chú mèo rừng, khi mạnh bạo như hổ báo, khi lại mô phỏng những thế đứng độc đáo của muôn loài. Theo sau bram là hai brim rối mắt trong bộ trang phục bằng rễ cây long mun dài, đeo mặt nạ mèo và mặt nạ quỷ. Họ chụm lại nhau rồi tản ra xa. Cứ thế làm hết trò này đến trò khác khiến khán giả phấn khích tột độ như đang hòa mình vào lễ hội no ấm nhất trong năm của người Bahnar.

Bram của đội chiêng xã Hà Tây là cậu bé Hyơk-ở làng Kon Măh, đang học lớp 9. Y Xô cho biết, anh phát hiện những pơtual này từ khi còn rất nhỏ. Anh kể: “Trong một đám đông rất dễ để phát hiện ai có năng khiếu gây cười cho người khác. Hồi Hyơk còn nhỏ xíu, mỗi lần ngồi chơi với đám bạn cùng lứa tuổi hay đến nhà rông hội họp, mình để ý thấy nó rất ít nói nhưng lại có khả năng làm người khác vui vẻ bằng những trò gây cười. Khi vào đội chiêng, cậu bé nhanh chóng chứng tỏ là một pơtual múa hề giỏi. Hyơk có năng khiếu đặc biệt khi sáng tạo ra những điệu nhảy, để mỗi bước di chuyển, ngôn ngữ hình thể luôn thu hút, khiến người xem không thể rời mắt. Đó là cậu bé đặc biệt nhất từ trước tới giờ mà mình tìm được cho vị trí pơtual”.

Trút bỏ hóa trang của một pơtual, Hyơk khiến chúng tôi không thể nhận ra. Em rất kiệm lời, chỉ cười khi xác nhận một việc gì đó, hàm răng trắng bóng sau nụ cười bẽn lẽn. Hyơk khác hẳn một bram độc đáo, ấn tượng trong từng điệu nhảy, từng sắc thái biểu cảm khi biểu diễn trước mọi người. Y Xô nói đúng, khi con người ta trân quý những giá trị văn hóa, yêu những giá trị ấy từ trong máu thịt, họ có thể làm những điều phi thường.
 
Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Pơtual được biết đến là những người múa hề, múa rối để tăng không khí hân hoan, phấn khích cho lễ hội. Pơtual có thể làm người ta cười nhưng cũng khiến người ta phải khóc khi chạm vào những sâu kín, u uẩn trong lòng người. Trong một lễ bỏ mả ở làng Kôn (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) chúng tôi có dịp tham dự, không chỉ có 1 hoặc 3 bram như những lễ hội thông thường, có tới 7 người đàn ông hóa thành bram trong lễ bỏ mả của làng. Đó là lễ bỏ mả đông bram nhất chúng tôi từng thấy. Họ khuấy động không khí lễ hội bằng những trò hề khiến người ta vừa uống rượu vừa ôm bụng cười. Họ đi hết đám rượu này đến đám rượu khác làm trò khiến đám đông ngày càng huyên náo bởi những tiếng hò reo phấn khích.

Nhưng đúng vào giây phút chia lìa vĩnh viễn với người chết, 7 bram lặng lẽ đi quanh khu nhà mồ, người ngẩng mặt, kẻ cúi đầu. Vẻ mặt hài hước hân hoan ban đầu thoáng chốc biến thành những biểu cảm méo mó, trầm lặng. Không khí ồn ã đột nhiên lắng xuống. Nhiều người bắt đầu khóc. Họ khóc kể rất to những kỷ niệm vui, buồn đã có người chết. Ông Đinh Sru-một bram cho hay, làm trò trong pơ thi là cách chia sẻ nỗi đau với gia đình người chết, giúp họ nguôi quên sự mất mát, chia lìa.

Những pơtual dường như được sinh ra để đánh thức những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt của con người: khi bừng thức niềm vui sướng hân hoan, khi nhìn thấu những u uẩn trong tâm hồn. Và như thế, sự sáng tạo độc đáo này của người bản địa trong văn hóa, như một ẩn dụ về cuộc đời…
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm