Những nông gia làm giàu với đa cây, đa con

Những nông gia làm giàu với đa cây, đa con
Trồng cây tiêu bên cây cảnh, nuôi cá lồng bè bên cây cà phê
Ở vùng đồng bằng huyện Cát Tiên, nhiều năm qua, nông gia Lê Văn Bảy (sinh năm 1956) trở thành một điển hình làm giàu từ sản xuất đa cây vươn lên xây dựng cơ sở chế biến nông sản, trích phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ vốn không tính lãi suất cho bà con quanh vùng khoảng 1,3 tỷ đồng. Định cư ở xã Phước Cát 1, Cát Tiên, được nhà nước cấp 4.000m² đất ruộng, nông gia Bảy quyết định chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh giống cây mới liên tục từ năm 1990-2000. Chọn cây tiêu làm cây chủ lực, bên cạnh gồm các loại cây hoa màu ngắn ngày (bắp, đậu…), cây lúa và cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng…), đã nâng cao thu nhập gia đình không còn thiếu thốn nữa. Đầu những năm 2000, nắm lấy cơ hội nghề cây cảnh đang ăn nên làm ra, nông gia Bảy lập vườn chăm sóc gắn với kinh doanh, đạt lợi nhuận hàng năm 120 triệu đồng. Rồi nhu cầu chi phí ăn học của 3 đứa con cứ tăng dần, nông gia Bảy lặn lội qua tỉnh Bình Phước học nghề sơ chế hạt điều, sau đó về nhà mở cơ sở riêng. Cơ sở hoạt động vài năm “đầu tay” đã tạo ra chỗ đứng trong thương trường nên mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng mở rộng quy mô sản xuất, chế biến. Hiệu quả đột phá từ năm 2010 đến nay, từ cơ sở hộ gia đình nông gia Lê Văn Bảy đã vươn lên thành lập HTX Lê Gia, đóng góp thuế VAT cho ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm nông nhàn cho 240 lao động trong vùng, mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.  
 
 Nông gia Trịnh Văn Tùng (xã Ka Đô, Đơn Dương) làm giàu nhờ gắn sản xuất đa canh với tiêu thụ
Nông gia Trịnh Văn Tùng (xã Ka Đô, Đơn Dương) làm giàu nhờ gắn sản xuất đa canh với tiêu thụ
Cùng đi ra ngoài tỉnh Lâm Đồng học nghề mới, nông gia Đặng Thị Mai (sinh năm 1979, xã Hòa Nam, Di Linh) đã đưa kỹ thuật nuôi cá lồng bè từ tỉnh Đồng Nai về phát triển, làm giàu. Đầu tiên vào năm 2008 nuôi 5 lồng trên “dòng sông thủy điện” ở địa phương, sau mỗi vụ thu hoạch bổ sung kinh nghiệm, đến nay, nông gia Đặng Thị Mai đã ổn định trang trại 30 lồng cá bè, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. “Trang trại của gia đình nuôi đủ các loại cá như: cá lăng, diêu hồng, chép, trắm cỏ, rô đồng, cá lóc, rô phi… Bằng hình thức nuôi gối đầu, tổng sản lượng cá thịt đạt 100 tấn/năm. Nhờ đầu ra ổn định, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập 700 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bè, hỗ trợ con giống cho nhiều hộ nuôi thành công ở địa phương…” - nông gia Đặng Thị Mai cho biết. Nhưng đây chưa phải là khoản thu nhập duy nhất vì nông gia Đặng Thị Mai còn có vườn cà phê tự ghép cải tạo 1,3ha, năng suất hàng năm 7,5 tấn nhân/ha/năm; đồng thời trực tiếp buôn bán các mặt hàng nông sản địa phương như: bơ, mít, chuối…  
Nuôi bò sữa, bò thịt, dê và ươm giống rau, hoa… 
Một lần tiếp xúc với tôi, nông gia Nguyễn Phong Phú (sinh năm 1968, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương) thật tình: “Nhờ được vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, hộ gia đình tôi mới có khả năng phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi như: nuôi bò sữa, làm vườn ươm giống rau các loại, trồng rau theo hướng công nghệ cao, trồng cỏ, trồng cây cảnh…”. Theo đó, từ những nguồn vốn vay của ngân hàng ở đây, nông gia Nguyễn Phong Phú tích cực học nghề nông qua những lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để đầu tư, áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất, địa hình đất đai của mình. Nhờ vậy, sau 18 năm từ việc trồng lúa nước, thu hoạch đắp đổi qua ngày, nông gia Nguyễn Phong Phú đã thay đổi cuộc sống của hộ gia đình lên mức giàu có với cơ ngơi: 5.000m² vườn ươm tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; 10.000m² trồng ớt ngọt, cà chua, bắp cải, hành lá…theo hướng công nghệ cao; nuôi 44 con bò sữa; trồng 5ha các loại cây lâm nghiệp như: thông 3 lá, keo tai tượng, muồng đen, tùng, mai anh đào, phượng tím… đạt tổng thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Tương tự với thu nhập từ 2-3 tỷ đồng/năm, nông gia Trịnh Văn Tùng (sinh năm 1968, xã Ka Đô, Đơn Dương) đã sản xuất đa canh theo quy trình khép kín từ vườn ươm đến vườn sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ các loại rau như cà chua, su su…
Ở xã Tân Thanh, Lâm Hà, tỷ phú nông gia Ha Kai (sinh năm 1962) đã thể hiện những mong muốn thiết thực cho những hộ nông dân quanh vùng còn khó khăn: “Nhận thấy mô hình vườn - ao - chuồng khép kín của mình thực sự hiệu quả, tôi đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện giúp đỡ về vốn sản xuất, về cây giống, con giống cho 20 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…”. Ha Kai đã trải qua những “năm dài tháng rộng” mới xây dựng thành một nông trại có thu nhập từ 1-1,5 tỷ đồng/năm gồm 10ha cà phê cao sản (năng suất 6-7 tấn nhân/năm), nuôi 100 con dê, 40 con bò thịt, 3ha mặt nước hồ nuôi cá, tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm