Những nhân tố nổi bật trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng biên giới Mường Lát

Những nhân tố nổi bật trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng biên giới Mường Lát
Tới thăm mô hình trang trại tổng hợp của anh Vi Văn Túc (sinh năm 1991, người Thái), trú tại bản Nàng 1, xã Trung Lý, được anh chia sẻ mới thấy hết tinh thần dám nghĩ, dám làm của những thanh niên vùng biên.

Năm 2015, anh Túc xây dựng mô hình trang trại tổng hợp để nâng cao thu nhập. Tỉnh đoàn Thanh Hóa hỗ trợ cho anh vay 50 triệu đồng để xây dựng mô hình này.

Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn, hướng dẫn, anh Túc đã mạnh dạn mua con giống để chăn nuôi, kết hợp trồng các loại cây lâm nghiệp như vầu, luồng, lát và nuôi gà. Anh xây dựng chuồng nuôi bò, lợn thoáng mát, sử dụng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo môi trường, đồng thời chăm sóc các loài cây hái quả, cây lâm nghiệp thường xuyên để hạn chế dịch bệnh.

Nhờ kiên trì và chịu khó, trang trại của anh ngày một phát triển với diện tích hơn 8 ha, trong đó có 3 ha rừng trồng cây xoan, keo, hơn 150 gốc xoài, nhãn, 20 con lợn, 10 con bò, 200 gà, 3 ao cá. Anh còn kinh doanh thêm, bình quân thu nhập của gia đình anh đạt 120 triệu đồng/năm. Anh cũng là một Bí thư Chi đoàn xuất sắc, luôn năng nổ trong các hoạt động đoàn của xã, hướng dẫn nhiều thanh niên khởi nghiệp.

Anh Hà Văn Chục (người dân tộc Thái), trú tại bản Chìa Cồng, xã Tén Tằn cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế tại khu vực biên giới. Anh Chục cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên anh chỉ được học hết lớp 5, sau đó anh phải nghỉ học và đi làm thuê tại khu vực biên giới tỉnh Hủa Phăn (Lào) để kiếm tiền lo cho gia đình. Sau một thời gian cố gắng nhưng vẫn không đủ ăn, năm 2014, anh quyết định về quê lập nghiệp.

Anh Hà Văn Chục (người dân tộc Thái), trú tại bản Chìa Cồng, xã Tén Tằn, huyện biên giới Mường Lát đã làm giàu nhờ mô hình sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng từ đá cho thu nhập 200-300 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Anh Hà Văn Chục (người dân tộc Thái), trú tại bản Chìa Cồng, xã Tén Tằn, huyện biên giới Mường Lát đã làm giàu nhờ mô hình sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng từ đá cho thu nhập 200-300 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ban đầu, anh xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, trang trại bị dịch bệnh làm anh mất trắng, được người thân động viên, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Năm 2016, nhận thấy quanh khu vực biên giới chưa có ai làm nghề sản xuất ghế đá, hoa văn, tường rào và sản xuất gạch phục vụ xây dựng, vì vậy anh lên ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất vật liệu xây dựng, đồ dùng từ đá để cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Thực hiện mô hình này, anh đã vay 50 triệu đồng của ngân hàng để xây nhà xưởng và nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Với những kiến thức học được khi bôn ba nơi xứ người anh đã tự chế ra bàn ghế đá, hoa văn, hàng rào bê tông, chậu hoa và sản xuất gạch, vật liệu xây dựng bán cho người dân quanh khu vực. Nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất, các sản phẩm của cơ sở đã được bán ra toàn tỉnh và xuất khẩu sang nước bạn Lào.

Đến năm 2018, sau khi ổn định sản xuất, anh Chục quyết định mở thêm một trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp tại khu vực biên giới. Cũng từ đây thu nhập của anh ngày càng tăng cao, cuộc sống ổn định hơn. Hiện anh có 1 xưởng sản xuất các đồ làm từ đá và vật liệu xây dựng, 1 trang trại tổng hợp rộng 7 ha với 50 con bò, 10 con trâu, 4 ha rừng. Thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 200-300 triệu đồng/năm, anh còn tạo việc làm cho 14 nhân công với mức lương 5-6 triệu/người/tháng.

Không những vậy, anh Chục luôn năng nổ tham gia các hoạt động đoàn, tạo điều kiện, hướng dẫn đoàn viên thanh niên thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, anh Chục đã được UBND huyện, Huyện đoàn Mường Lát tặng Giấy khen về thanh niên thi đua sản xuất giỏi và thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Hà Văn Hùng cho hay, do điều kiện khắc nghiệt, địa hình vùng biên giới hiểm trở nên nhiều thanh niên luôn gặp khó khi bắt đầu khởi nghiệp. Tuy khó khăn nhưng các thanh niên vùng biên luôn tìm cách để vươn lên làm giàu. Hiện trên địa bàn có 20 thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế với thu nhập từ 60-130 triệu đồng/năm, trong đó hai tấm gương trên là những nhân tố nổi bật trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại khu vực biên giới. Họ đã dùng ý chí và khát vọng thay đổi cuộc sống, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm