Những nguy cơ biến chứng ở người cao tuổi gặp hội chứng COVID kéo dài

Những nguy cơ biến chứng ở người cao tuổi gặp hội chứng COVID kéo dài

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal - BMJ) mới đây cho thấy những người trên 65 tuổi sau khi bị mắc COVID-19 sẽ có thể xảy ra nhiều biến chứng về sức khỏe hơn so với những người không bị bệnh này. Nói cách khác, hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) ở nhóm người này được thể hiện qua nhiều bệnh, thay vì chỉ có tổn thương phổi và hệ hô hấp.

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu bảo hiểm y tế từ hơn 133.000 người mắc COVID-19 có tham gia chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare của Mỹ. Kết quả cho thấy 1/3 số trường hợp nêu trên gặp biến chứng về sức khỏe sau 30 ngày kể từ khi mắc COVID-19, trong khi tỷ lệ này ở những người bình thường cùng độ tuổi này chỉ là 1/5. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra hơn 10 rối loạn sức khỏe có liên quan đến việc mắc COVID-19 trong nhóm bệnh nhân này. Các nhà khoa học kết luận rằng hội chứng COVID kéo dài (long COVID), tức là vẫn có triệu chứng bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng mới kéo dài hơn 4 tuần sau khi nhiễm, có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.

Theo nghiên cứu trên, suy hô hấp là triệu chứng phổ biến nhất của COVID kéo dài ở người trên 65 tuổi, tiếp theo là tăng huyết áp, chứng hay quên hoặc các vấn đề về trí nhớ và tổn thương thận. Ngoài ra, các bệnh như rối loạn nhịp tim, giảm sút trí tuệ, tiểu đường, đột quỵ và bệnh động mạch vành cũng được liệt kê trong danh sách này các triệu chứng COVID kéo dài ở đối tượng này.

Phát hiện trên đã củng cố thêm những nghiên cứu trước đó về hội chứng COVID kéo dài. Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm ra cơ chế chính xác gây ra COVID kéo dài, những nghiên cứu về hội chứng này cho thấy, bệnh COVID-19 có thể tác động tới nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể và tồn tại trong thời gian dài. Hiện hội chứng COVID kéo dài được xem là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Mỹ.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm