Những người giữ hồn Tây Nguyên

Những người giữ hồn Tây Nguyên
Chiều dần về trên làng Kon Klor II, tiếng đại ngàn dìu dặt, đôi lúc thốc lên man dại. A Lưu dẫn tôi vào hành trình rong ruổi cả đời hát kể sử thi. Trước khi mất, bà mẹ Y Ngao của ông là một phụ nữ rất nổi tiếng về hát kể sử thi. Chính bà đã tắm cho những đứa con của mình vào dòng suối sử thi từ rất sớm.
 
Nghệ nhân A Lưu trầm ngâm bên bài báo về nỗi lo sử thi Bahnar sau này không có người hơ mon
Nghệ nhân A Lưu trầm ngâm bên bài báo về nỗi lo sử thi Bahnar sau này không có người hơ mon

Ngày ấy, mỗi khi hát sử thi cho dân làng nghe, không bao giờ nghệ nhân Y Ngao quên gọi 8 đứa con của mình đến. Nói là để giúp mẹ nhóm lửa, nhưng ý bà là truyền cảm hứng sử thi cho con. “Tuy vậy, chả biết vì duyên cớ gì mà trong 8 anh em, chỉ có mình là người có thể hơ mon (hát kể sử thi) được sử thi. Năm 11 tuổi, mình đã có thể giúp mẹ hơ mon cho dân làng nghe”-A Lưu nhớ lại.

Cứ thế, những đêm hội làng, những đóm lửa bập bùng, những câu chuyện hào hùng đã hun đúc thêm tình yêu sử thi trong chàng trai A Lưu. Tiếp mẹ, A Lưu lãng du khắp buôn trên làng dưới để được hát kể sử thi cho mọi người nghe, và nếu may mắn hơn, chàng sẽ học được thêm những bài mới từ các già làng. Những bước chân rong ruổi đã giúp A Lưu thuộc được nhiều sử thi, chàng lại hát hay nữa, nên khiến không biết bao nhiêu cô gái trong làng “điêu đứng”.

Rồi trong một lần hơ mon nhân lễ lúa mới của làng, A Lưu đã “hớp hồn” cô gái Y Pưi. “Hóa ra hơ mon còn giúp mình lấy được vợ nữa”-A Lưu hài hước. Còn bà Y Pưi thì nhớ lại: “Hồi đó mình mê hơ mon lắm, nhưng… mê A Lưu nhiều hơn vì ổng hơ mon hay quá. Về làm vợ ổng rồi, ngày nào cũng được nghe ổng hơ mon sướng cái tai quá”. Mỗi khi làng có lễ, có tin vui, Y Pưi đều thấy hạnh phúc và hãnh diện khi nghe chồng mình hơ mon bởi “không phải ai cũng hơ mon được, mà có hơ mon được thì cũng chưa chắc hay… bằng chồng mình”.

Năm nay 70 tuổi nhưng hành trình hát kể sử thi của A Lưu đã in dấu qua 60  mùa rẫy, bắt đầu tập từ năm 10 tuổi với bộ sử thi liên hoàn Đăm Jông-Đăm Jớ. Đây cũng là bộ sử thi đầu tiên mà A Lưu thay mẹ hát cho dân làng nghe vào năm 11 tuổi, và bộ sử thi này cũng giúp ông được nhiều giấy khen, nhất là danh hiệu nghệ nhân dân gian. A Lưu thừa nhận, dân tộc Bahnar không thiếu những sử thi hay, nhưng ông và dân làng vẫn thích nhất bộ Đăm Jông-Đăm Jớ.

Bà Y Khiêm- Phó Chủ tịch UBND xã Đak Rơ Wa nhận xét: “Nghệ nhân A Lưu từ nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp cho sử thi của người Bahnar ở địa phương. Chính ông đã giúp cho sử thi Bahnar “sống” đến ngày hôm nay, điều này đã được ngành văn hóa tỉnh ghi nhận. Thời gian gần đây, vì sợ sử thi Bahnar “thất truyền” người hơ mon nên cụ đã dạy cho một số người vào thời gian rảnh”.

Người dịch sử thi Bahnar và Xê Đăng

Tuy ở tuổi gần thất thập nhưng A Jar vẫn còn nhanh nhẹn và rất hồn nhiên, vui tính. Ông bảo, người dân tộc là phải hồn nhiên, còn hồn nhiên nghĩa là còn giữ được hồn dân tộc mình. 67 năm về trước, cậu bé người Xê đăng A Jar cất tiếng khóc chào đời giữa đại ngàn Đak Hà (Kon Tum). Chưa đầy hai tuổi, cậu mồ côi mẹ. 5 năm sau, A Jar vĩnh viễn mất cha khi vừa chớm nhận cảm hứng sử thi từ đấng sinh thành.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, A Jar lớn lên bằng tình yêu của người dân trong làng, nhất là trong những đêm ngập tràn hơ mon. A Jar rất chăm học, vì vậy mà cậu luôn tìm mọi cách để được “tiếp cận” với con chữ. Để rồi năm 1974, A Jar tốt nghiệp Đại học Quốc gia hành chính Sài Gòn. Tiếng Pháp là ngoại ngữ ông học đầu tiên, ở Huế, vào những năm từ lớp 6 đến lớp 11. Học tiếng Anh vào những năm lớp 10 đến lớp 12. Song song đó là tiếng Kinh và tiếng Bahnar, tất cả phần lớn đều tự học là chính.
 
Tuy dự án đã kết thúc nhưng A Jar vẫn miệt mài dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của dân tộc Bahnar và Xê đăng
Tuy dự án đã kết thúc nhưng A Jar vẫn miệt mài dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của dân tộc Bahnar và Xê đăng

Ông A Jar bắt đầu dịch vào cuối những năm 80. Đến năm 1994 thì ông có bài đăng báo đầu tiên. Những năm sau đó, trên một số tờ báo văn hóa thường xuất hiện cái tên A Jar dưới mỗi bài dịch từ những câu chuyện, tục ngữ, lễ hội của người Bahnar và Xê đăng. Sau đó, ông được Trung tâm Văn hóa-Thông tin triển lãm Kon Tum thuê dịch các bản sử thi. Tiền công tuy ít, nhưng A Jar vẫn say mê làm việc vì được thỏa lòng mong muốn của mình.

Những lúc rảnh hay nghe ở đâu có những câu chuyện sử thi hay là ông tìm đến, ghi chép lại để về dịch. Tuy vậy, ông thừa nhận rằng mình không phải là kẻ sưu tầm mà chỉ là dịch sử thi. Phần lớn ông dịch lại từ sưu tầm của một số người lớn tuổi thuộc nhiều sử thi như A Lưu, A Bek, Y Nhéo… A Jar nhớ lại: “Có khi vừa về đến nhà là mình lao vào bàn để dịch cho… “nóng”. Sau đó, mình lại phải lóc cóc xe đạp, có khi hàng chục cây số để gặp một số già làng nhờ giải thích các từ cổ”.

Từ năm 2001 đến năm 2007, dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên và phụ cận thực hiện. Ngày biết tin có dự án này, A Jar suýt nhảy cẫng lên vì sung sướng bởi “cái mong muốn của mình là mong được các cơ quan quan tâm, bảo tồn và phổ biến sử thi vì nó đã mai một gần hết nay sắp được thỏa”. Lần nữa, nhờ bạn bè và một số thông tin khác, A Jar được gặp và làm việc với PGS. TS Võ Văn Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong 5 năm ròng rã.

Trong quãng thời gian ấy, A Jar miệt mài làm công việc “gỡ băng”. Tức là từ những đoạn băng ghi âm được giao, A Jar mở lên nghe lại, ghi chép ra và chuyển ngữ từ Bahnar, Xê đăng sang tiếng Việt. Ông bảo: “Trước đây đã dịch nhưng là… dịch chơi. Nay người ta yêu cầu mình phải dịch cho hoàn chỉnh, bài bản. PGS. TS Võ Văn Trọng phải mất hơn một năm trời “kèm cặp” mình mới tiến bộ hơn đấy”. A Jar cho biết, lần ấy ở Kon Tum phát hiện hai bộ sử thi liên hoàn của người Bahnar và Xê đăng, mỗi bộ có đến 100 tác phẩm.

Sáu năm sau ngày dự án trên kết thúc, dù mong muốn nhưng A Jar rất khó khăn trong việc tiếp tục dịch sử thi vì không có kinh phí. Để cho khỏi buồn cái tay, cái chân và cái đầu không mụ mị, hàng ngày A Jar vẫn miệt mài sưu tầm và dịch ca dao, tục ngữ. Đến đây, giọng ông chùng xuống: “Mình mong Nhà nước nên nhanh chóng tiếp tục lại công việc này, bởi những người thuộc sử thi hầu hết đã già yếu. Mình thì sẵn sàng đợi nhưng sợ cái tuổi của mình không cho phép.

Mình sợ mai này mình chết thì sẽ không còn người dịch sử thi nữa…”.

Ông hiện có một niềm vui nho nhỏ là “mang tin tức đến cho người đồng bào”. Rồi ông giải thích, đó là phụ trách dịch những tin, bài cho tờ Báo ảnh dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Báo Kon Tum, tiền công là 1 triệu đồng. Hàng tháng, bên Báo Kon Tum chuyển tin, bài bằng tiếng Việt đến và A Jar dịch sang tiếng Bahnar và Xê đăng.

PGS. TS Võ Văn Trọng-Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết trước khi gặp A Jar, ông có làm việc với một số người khác trong việc dịch sử thi. Tuy nhiên, chỉ có A Jar là làm tốt công việc. “Tôi đánh giá cao các bản dịch của A Jar, tuy ban đầu còn nhiều khiếm khuyết. Ông ấy là người chịu khó, ham học và rất thông minh, bên cạnh đó ông ta còn rất am hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Có lẽ những điều này giúp ông thành công với những bản dịch so với người khác”.

Có thể bạn quan tâm