Những "đường băng" cho Gia Lai cất cánh

Những "đường băng" cho Gia Lai cất cánh
Đường Hồ Chí Minh-đoạn từ Pleiku đi Kon Tum. Ảnh: Minh Thi
Đường Hồ Chí Minh-đoạn từ Pleiku đi Kon Tum. Ảnh: Minh Thi

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hệ thống giao thông vận tải vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cần được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, trước hết là ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước.

Đến nay, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) vẫn là công trình duy nhất của Bộ Giao thông-Vận tải được xếp hạng là một trong 5 công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội phê duyệt và giám sát. Việc đầu tư, xây dựng đường Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công trình còn mang ý nghĩa lớn về mặt quốc phòng-an ninh, là con đường chiến lược, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ giao thông khi tuyến quốc lộ 1 có sự cố.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 553 km, từ Tân Cảnh đến Chơn Thành, đi qua 4 tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Trên đoạn tuyến này có 8 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, đoạn qua Gia Lai từ TP. Pleiku (Km 1610) đến Cầu 110 đã chính thức thông xe kỹ thuật ngày 28-6. Đây là tuyến đường giao thông Bắc-Nam duy nhất khu vực Tây Nguyên. Ở những địa phương có tuyến đường đi qua, bộ mặt kinh tế-xã hội đã có sự đổi thay rõ rệt. Và không khó để có thể thấy rằng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ nâng vị thế Gia Lai thành một trong những vùng có điều kiện phát triển thành cơ sở kinh tế chủ đạo.

Chủ trương xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đã được Bộ Chính trị xác định: “Khu vực xây dựng đường Trường Sơn Đông nằm trên vùng cao nguyên rộng lớn kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc…”, cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp đúng mức. Đường Trường Sơn Đông dài gần 700 km, điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại Thạnh Mỹ (Quảng Nam), điểm cuối là cầu Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng). Tuyến đường này hoàn thành là trục giữa xuyên dọc suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đak Lak và Lâm Đồng). Riêng Gia Lai, đường Trường Sơn Đông đi qua với 247 km từ huyện Kbang đến huyện Krông Pa, qua 6 huyện và 26 xã, tất cả nơi có tuyến đường đi qua đều là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Con đường này kết nối giao thương tỉnh ta với đồng bằng qua các tuyến đường 19, 25, việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm của bà con nông dân trở nên thuận lợi. Có thể khẳng định rằng, việc đầu tư con đường Trường Sơn Đông có rất nhiều ý nghĩa kể cả về quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội cho đồng bào các địa phương trên tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua.

 

Quốc lộ 14 hôm nay. Ảnh: Minh Dưỡng
Quốc lộ 14 hôm nay. Ảnh: Minh Dưỡng

Còn với tuyến quốc lộ 19, được xác định là một trong 5 hành lang vận tải chính trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bởi vậy, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định-Gia Lai theo hình thức BOT do Tổng Công ty 36 thuộc Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư được triển khai cũng đã tạo nên nhiều kỳ vọng không chỉ của Gia Lai mà cả các tỉnh bạn có giao thương với các địa phương khác thông qua quốc lộ 14. Quy mô cải tạo, nâng cấp tuyến đường với thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 mét (riêng đoạn qua khu vực đông dân cư nền đường được mở rộng lên 15 mét), mặt đường láng nhựa rộng 11 mét. Dự án có tổng mức đầu tư 5.279 tỷ đồng, được phân kỳ 3 giai đoạn, thời gian thi công từ năm 2012 đến năm 2020. Hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo nên sự thông thoáng trong giao thương, đi lại của người dân liên vùng.

Bên cạnh những tuyến đường có tính huyết mạch như quốc lộ 14, quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông… với Gia Lai, một tuyến giao thông cực kỳ quan trọng nữa cũng vừa được đầu tư nâng cấp, mở rộng là Cảng Hàng không Pleiku. Năm 2010, Bộ Giao thông-Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không Pleiku (giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) là cảng hàng không nội địa, dùng chung giữa dân dụng và quân sự. Về dân dụng, Cảng Hàng không Pleiku được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khai thác các loại máy bay A320/321, ATR72 và F70 với các đường bay trong nước. Theo đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã đầu tư gần 1.050 tỷ đồng để thực hiện 2 dự án: “Kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay” và “Sửa chữa, mở rộng nhà ga hành khách-Cảng Hàng không Pleiku”. Sau khi cải tạo nâng cấp, Sân bay Pleiku có thể đáp ứng 300 hành khách/giờ cao điểm, có khả năng phục vụ 800.000-1.000.000 lượt hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách-hàng hóa nối liền Pleiku với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Vùng Tây Nguyên nằm ở trung tâm của Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Khu vực này có hệ thống giao thông liên hoàn với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ và có 554 km đường biên giới Lào và Campuchia, cùng các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây lại không quá xa các cảng biển nước sâu như: Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... Trong đó, Gia Lai được coi là trung tâm của khu vực. Do vậy, Gia Lai vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh, vừa có điều kiện phát triển nền kinh tế mở. Theo Bộ Giao thông-Vận tải, trong giai đoạn 2016-2020 cần thêm khoảng 65 ngàn tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên tại vùng đất vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh, vừa có điều kiện phát triển nền kinh tế mở này, trong đó có phần dành đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 14C, 19... trên địa bàn Gia Lai.

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Đề cập về vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gai Lai cho biết: “Sở đã đề xuất với các cấp trong thời gian tới cho đầu tư một số công trình có ý nghĩa trọng điểm như: đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh các hạng mục, đoạn tuyến còn lại mang tính xương sống và có ý nghĩa liên vùng của quốc lộ 19, 25 và 14C; đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh một số đường tỉnh 663, 665, 666 và một số tuyến đường liên huyện quan trọng, hình thành vành đai phát triển kinh tế-xã hội liên huyện và tạo sự hoàn chỉnh cho bức tranh giao thông của tỉnh”.

Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm