Những điều ít biết về gốm của đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên

Những điều ít biết về gốm của đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên
Nghệ nhân làm đồ gốm dân tộc M'Nông Rlăm. Ảnh: Tấn Vịnh
Nghệ nhân làm đồ gốm dân tộc M'Nông Rlăm. Ảnh: Tấn Vịnh

Nghề làm gốm đất nung của đồng bào Cơ Tu không phổ biến, chỉ hạn hẹp ở làng Ka Noonh (xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Người ta lấy đất sét trắng và đất sét vàng giã nhuyễn trên những phiến đá lộ thiên rồi nặn bằng tay trên mặt phẳng của các tảng đá vì chưa biết đến kỹ thuật bàn xoay. Sản phẩm nặn ra được phơi nắng một buổi cho đến một ngày rồi cạo, chỉnh sửa cho nhẵn, đẹp; sau đó hong trên giàn bếp 10-20 ngày cho khô nỏ trước khi nung. Mỗi mẻ gốm đốt 1-2 giờ là chín. Sản phẩm gốm khá phong phú, gồm các loại nồi đáy tròn, có quai hoặc không, có nắp đậy bằng lá... Người ta còn làm ra những hòn đầu rau, chõ, bát có chân đế, tẩu hút thuốc, chảo rang, ấm đun nước. Đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Công (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) trước đây cũng biết làm đồ gốm đất nung nhưng nay đã thất truyền. Hiện nay chỉ còn lại một sản phẩm duy nhất được lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa huyện Phước Sơn.

Tại xã Đak Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) còn một số nghệ nhân biết làm gốm truyền thống. Đây là nghề “mẹ truyền, con nối” của gia đình. Từ nhỏ, mỗi khi những người già làm gốm tại nhà rông hoặc những lúc trong làng có lễ hội, đồng bào thường chăm chú theo dõi cách làm gốm và ghi nhớ. Ngoài việc thường xuyên làm gốm, vào ngày lễ của làng, các nghệ nhân còn tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng làm gốm dân gian. Vật dụng làm ra chủ yếu là đồ dùng trong nhà như: ghè, ché, chum vại hay hong thổi xôi… Nhiều hiện vật gốm của đồng bào Bahnar nơi đây đang được trưng bày ở Bảo tàng Kon Tum.

Người M'Nông Rlăm ở huyện Lak (tỉnh Đak Lak) có nghề làm gốm rất lâu đời. Đồng bào khai thác đất sét ở các chân núi gần làng để làm nguyên liệu sản xuất đồ gốm. Giống như một số dân tộc khác trong vùng, họ không dùng đến bàn xoay mà đi xung quanh chỗ đặt cố định để nặn đất tạo dáng hay chuốt gốm. Khi nặn và chuốt xong, họ xếp các sản phẩm chồng lên nhau và lấy cỏ, rơm nung gốm lộ thiên chứ không nung trong lò. Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại nồi tròn có miệng nhỏ để nấu cháo, nấu nước, nấu thuốc hoặc nồi miệng rộng để nấu cơm và nấu thức ăn, ngoài ra còn có chõ hấp xôi. Sau này, khi nhu cầu nhiều hơn, người ta còn làm ra thêm nồi đồng (mô phỏng theo hình dáng nồi đồng của người Việt), chảo rang cà phê, hũ, ché… Trước đây, đồ gốm được làm ra ngoài việc sử dụng trong sinh hoạt còn được trao đổi trong làng và vùng lân cận. Hiện nay, người thợ còn làm thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch như: trâu, bò, voi, hồ lô, lọ hoa…

Quy trình chế tác gốm của đồng bào vùng Trường Sơn-Tây Nguyên rất thô sơ, gần như nguyên thủy. Sản phẩm làm ra để phục vụ đời sống mang tính tự cung tự cấp, nhỏ lẻ chứ không lập thành làng nghề như người Việt ở vùng đồng bằng. Công đoạn tạo hình dáng, hoa văn cho gốm hoàn toàn bằng tay. Người thợ đi vòng tròn xung quanh vật, sử dụng đôi tay khéo léo và các dụng cụ thô sơ như thanh tre vót mỏng, vòng tre, mảnh vải ướt để tạo hình cho sản phẩm.

Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm khô dần, người thợ bắt đầu vẽ hoa văn bằng những que tre, que củi hoặc lông con nhím. Hoa văn cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché, chõ, có thể là cỏ cây hoa lá cách điệu, là các đường hình học đơn giản… Chờ cho sản phẩm khô thêm, người thợ chuyển sang bước đánh bóng. Việc đánh bóng mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẩn. Người thợ dùng hòn sỏi thật bóng chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng. Một sản phẩm có thể chà nhiều lần, thậm chí 5-7 lần. Sau bước này, sản phẩm được phơi khô hoàn toàn trước khi nung. Người thợ chọn ngày nắng đẹp để nung gốm, đa phần là nung lộ thiên, không có lò.

Nghề gốm của đồng bào vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Trước đây, hầu như nhà nào cũng sử dụng gốm cổ truyền chế tác thủ công nên người làm gốm được coi trọng.

Vì vậy, việc bảo tồn nghề làm gốm cổ của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên là quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực của nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ văn hóa, bản sắc của các tộc người để không đánh mất đi phần hồn trong sản phẩm gốm cổ truyền.
Theo baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm