Những điều chưa biết về tộc người Mã Liềng

Những điều chưa biết về tộc người Mã Liềng
Những năm 90 của thế kỷ trước, người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) chủ yếu sống trong các hang đá hay những nhà sàn đơn sơ cheo leo trên dãy núi Giăng Màn. Sau này, được sự vận động của Nhà nước, họ tập trung định cư ở các bản Kè, bản Cáo, bản Chuối, bản Cà Xen thuộc hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Giờ đây, cuộc sống của người Mã Liềng đã bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại. Khoảng cách người miền xuôi và người miền ngược đã thu hẹp dần. Nhưng họ vẫn giữ riêng cho mình những phong tục độc đáo, đặc sắc của tộc người Mã Liềng được truyền qua nhiều thế hệ.
 
Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng.
Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng.

Lễ cúng thần rừng

Từ bao đời nay, với người Mã Liềng, rừng không chỉ là không gian mưu sinh mà còn gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh. Bởi vậy, hàng năm, người Mã Liềng đều tổ chức lễ cúng thần rừng cầu mong mưa thuận gió hòa, dân bản khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối nương rẫy.

Theo già làng Cao Dụng ở bản Kè, xã Lâm Hóa, một trong những già làng có uy tín nhất của tộc người Mã Liềng, lễ cúng thần rừng được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch hàng năm. Đây được coi là ngày tốt lành trong năm, là thời điểm trời đất giao hòa.

Lễ vật được mọi người trong cả bản cùng gom góp lại chủ yếu là các sản phẩm từ rừng hay nương rẫy. Nhưng bắt buộc phải có động vật 4 chân và bộ nội tạng của nó. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, dân bản theo thầy cúng của bản mang lễ vật vào cửa rừng để bắt đầu nghi lễ cúng thần rừng.

Sau phần nghi lễ kết thúc, cả bản cùng nhau chia rượu thịt ăn uống vui vẻ và chúc nhau năm mới sức khỏe, rẫy nương được mùa.

Già Cao Ngụ, cũng là thầy cúng của bản Kè cho biết, lễ cúng thần rừng đầu năm là lễ cúng quan trọng nhất. Đây cũng là sự kiện trọng đại của cả bản, bởi vậy hầu như nhà nào cũng phải có người góp mặt trong lễ cúng.

Người Mã Liềng luôn tin rằng, thần rừng là vị thần tối cao, bảo hộ cho họ từ nhiều đời nay để tộc người được tiếp tục sinh tồn và phát triển. Cũng có lẽ vậy, sau lễ chính đầu năm, hễ cứ khi bắt đầu vào mùa mật ong, mùa lấy măng hay thu hoạch lúa rẫy..., họ đều làm lễ cúng thần rừng trước khi ăn.

Chẳng hạn đến mùa mật ong, bất kỳ một dân bản nào vào rừng tìm được mật đầu tiên đều phải đưa về nhà thầy cúng, sau đó cùng các già làng làm lễ dâng thần rừng trước rồi mới đến lượt dân bản. Rồi mùa lúa rẫy, lúa của nhà nào chín trước phải được cắt về cúng thần rừng rồi nhà mình và dân bản mới được ăn.

Làm nhà phải có hai cầu thang

Từ nhiều đời nay, việc làm nhà được người Mã Liềng rất chú trọng. Dù là nhà sàn đơn sơ giữa lưng chừng núi như trước đây hay ngôi nhà kiên cố để định cư như bây giờ, ngôi nhà của người Mã Liềng chỉ quay về hướng Nam hoặc Đông Nam, lưng tựa vào chân núi Giăng Màn.

Ngôi nhà sàn phải có hai cầu thang, một dành cho nữ và một dành cho nam. Người Mã Liềng rất thân thiện và hiếu khách, nhưng tập tục đó từ nhiều đời nay vẫn không đổi. Thường khi có khách tới chơi nhà, họ sẽ hướng dẫn cầu thang lên xuống. Khi vào nhà, khách nam chỉ được ngồi phía phòng có cầu thang cho nam, nữ cũng chỉ được ngồi phía phòng có cầu thang cho nữ.

Các cột trong nhà đều có tên riêng, trong đó đáng chú ý là cột con rể và cột con dâu. Cột con rể nằm ở phía phải bên cửa phòng dành cho nam, đây là nơi người con trai ngồi khi đến tìm hiểu người con gái. Trong khi đó, người con gái ngồi ở cột tương ứng bên phía gian dành cho nữ, gọi là cột con dâu.

Bên gian phòng của nam luôn có cửa sổ gọi là cửa ma, là nơi đưa người chết từ nhà ra ngoài. Khi ngồi trong nhà không được thò đầu ra ngoài cửa sổ ma. Già Cao Xuân, ở bản Cáo cho biết, tập tục của người Mã Liềng là không thờ cúng tổ tiên, bởi vậy khi trong nhà có người chết phải chuyển đi chôn từ cửa sổ để linh hồn người chết không nhớ đường quay về quấy phá người trong nhà.

Khi làm nhà, người Mã Liềng làm lễ cúng ma 2 lần. Một lần khi đặt cây gỗ đầu tiên (mà miền xuôi gọi là lễ động thổ) và một lần khi lên nhà mới. Khi lên nhà mới, người Mã Liềng kiêng 3 ngày. Tức là trong 3 ngày đó, không ai trong gia đình được ra ngoài và người ngoài cũng không được vào trong nhà.

Một điều đáng lưu ý là người Mã Liềng rất kị khi khách tới chơi mà huýt sáo trong nhà. Theo già làng Cao Dụng, như vậy thể hiện sự thiếu tôn trọng với các vị "ma nhà". Và họ đặc biệt sợ tiếng sét. Mỗi khi trời mưa to kèm theo sấm sét, người Mã Liềng đều ở trong nhà dù hết gạo hết thức ăn...
 
Nhà sàn của người Mã Liềng phải có hai cầu thang lên xuống.
Nhà sàn của người Mã Liềng phải có hai cầu thang lên xuống. 

Buồng thiêng kiêng dâu rể

Căn nhà của người Mã Liềng bao giờ cũng được thiết kế một gian gọi là gian bảy. Gian này chứa buồng thiêng (phòng ngủ của hai vợ chồng chủ nhà), là nơi linh thiêng bất cứ cái gì cũng không được xâm phạm vào. Trên góc buồng thiêng có thờ "ma Nộ" hay bộ cung tên dùng để đi săn bắn.

Ngày nay, người Mã Liềng đã ít vào rừng săn bắn nhưng nhà nào cũng còn giữ tập tục này. Buồng thiêng ngoại trừ hai vợ chồng thì không ai được phép vào, hi hữu lắm thì cho con trai vào lấy đồ, đặc biệt, kiêng kị con dâu hoặc con rể. Theo quan niệm truyền từ nhiều đời của người Mã Liềng, buồng thiêng là nơi thờ cúng linh hồn "ma Nộ", là chiếc bùa hộ mệnh mỗi khi họ vào rừng tìm kiếm thức ăn.

Mỗi người con trai Mã Liềng lớn lên đều tự mình làm một chiếc "ma Nộ" như một vật liền tay và khi lập gia đình ra ở riêng, họ để "ma Nộ" thờ tự trong buồng thiêng. Con dâu, con rể đều là ma nhà khác, nếu để họ bước vào buồng thiêng thì sẽ gây mất đoàn kết trong gia đình, "ma Nộ" cũng sẽ mất linh không bảo vệ được chủ nhà khi vào rừng săn bắn.

Ngày nay, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của người Mã Liềng đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi dưới chân dãy Giăng Màn giờ ngút ngàn rừng keo. Người Mã Liềng cũng đã bắt đầu tập làm quen với lúa nước.

Họ đã không còn phải chạy ăn từng bữa như trước đây. Nhưng những tập tục được lưu truyền từ cha ông vẫn được thế hệ con cháu giữ gìn như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tộc người Mã Liềng từ bao đời nay...
Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm