Những điều cần chú ý về sức khỏe tim mạch sau khi mắc COVID-19

Những điều cần chú ý về sức khỏe tim mạch sau khi mắc COVID-19

Trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, các nhà khoa học dần hiểu ra rằng virus có thể ảnh hưởng đến tim và sức khỏe tim mạch nói chung trong ngắn và dài hạn và những ảnh hưởng này không chỉ xảy ra ở những người bệnh nặng.

Tiến sĩ Aeshita Dwivedi, chuyên gia tim mạch tại bệnh viện Lenox Hill, thành phố New York (Mỹ) cho biết cũng giống như khi nhiễm các loại virus khác, người nhiễm virus gây COVID-19 cũng xuất hiện tình trạng viêm nhiễm bên trong cơ thể và tình trạng này có thể ảnh hưởng tới bất kỳ cơ quan nào, trong đó có cả tim.

Khi COVID-19 mới xuất hiện, nhiều người tin rằng đây là bệnh về hô hấp, ảnh hưởng chủ yếu tới phổi. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh được ghi nhận ngày càng nhiều hơn, các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng bệnh còn ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, trong đó có tim. Một nghiên cứu mới đây do Bộ Cựu chiến binh Mỹ thực hiện cho thấy những người mắc COVID-19 thể nặng sau khi hồi phục vẫn có nguy cơ cao bị các vấn đề về tim mạch và rối loạn chức năng tim mạch. Nghiên cứu so sánh tỷ lệ mắc các vấn đề mới về tim mạch ở hơn 150.000 người mắc COVID-19 trước khi có vaccine phòng bệnh và tỷ lệ tương ứng ở nhóm 5,6 triệu người chưa mắc COVID-19 và một nhóm khác gồm 5,9 triệu người được thu thập dữ liệu từ khi đại dịch chưa xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một năm sau khi xuất viện, so với những người không mắc bệnh, người từng mắc COVID-19 thể nặng có nguy cơ xuất hiện các biến chứng tim mạch cao hơn 65%. Các biến chứng này gồm đau tim, trụy tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Nghiên cứu cũng chỉ ra kể cả những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không phải nhập viện cũng có nguy cơ cao hơn gặp phải các vấn đề về tim mạch 1 năm sau khi nhiễm bệnh. Nhóm này có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch cao hơn 39% so với nhóm chưa từng mắc COVID-19.

COVID-19 có thể ảnh hưởng tới tim mạch theo nhiều cách. Những người mắc COVID-19 thể nặng và cần nhập viện có nguy cơ xuất hiện biến chứng có tên gọi là "bão cytokine". Biến chứng này không phải do virus gây ra mà do hệ miễn dịch của cơ thể gây ra khi phản ứng thái quá trước virus dẫn tới phá hủy cả những mô lành. Theo Tiến sĩ Dwivedi, biến chứng này dẫn tới tình trạng viêm nhiễm đáng kể bên trong cơ thể, có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong đó có tim và các bộ phận của tim như cơ tim, động mạch và nhịp đập của tim. Ở những người mắc bệnh khi có bệnh nền tim mạch, COVID-19 khiến tình trạng bệnh tim trở nặng. Bà khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 nên đi thăm khám và tư vấn bác sĩ về vấn đề sức khỏe tim mạch nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau: khó thở kéo dài, đau hoặc tức ngực kéo dài, nhịp tim bất thường, thường xuyên choáng váng, sưng chân, hoa mắt và chóng mặt khi gắng sức hoặc thay đổi tư thế. Theo Tiến sĩ Dwivedi, một số vấn đề về tim mạch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, một số kéo dài nhưng nếu được chăm sóc phù hợp, những vấn đề này có thể biến mất. Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về những tác động lâu dài của bệnh COVID-19 hay còn gọi là "COVID-19 kéo dài", trong đó có cả các vấn đề về tim mạch.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm