Những "chiến binh áo trắng” và cuộc chiến chống COVID-19 (Bài 1)

Những "chiến binh áo trắng” và cuộc chiến chống COVID-19 (Bài 1)
Bài 1: Kỳ tích của những “chiến binh áo trắng”
Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo ảnh Dân tộc và Miền núi giới thiệu chùm 2 bài viết của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những nỗ lực, sự hi sinh thầm lặng của các y, bác sỹ khi đã tạo nên kỳ tích điều trị thành công cho các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam. 
        Bệnh nhân T.K.H nhận hoa chúc mừng từ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bệnh nhân T.K.H nhận hoa chúc mừng từ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Không có một cái Tết trọn vẹn bên người thân, vượt qua nỗi sợ hãi và cả những áp lực dư luận, họ đã đồng hành cùng hai bệnh nhân Trung Quốc chiến thắng dịch COVID-19. Họ là 28 y, bác sỹ của Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, những người “đứng mũi chịu sào” điều trị thành công cho 2 bệnh nhân đầu tiên xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.
 
Tết cổ truyền khó quên
Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên được ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại. Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn tất cả những y, bác sỹ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng thực sự cảm thấy rất tiếc khi việc chúng tôi đến đây đã khiến các bạn gặp phiền phức. Chúng tôi cúi mình trước các bạn”.
 
Anh Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) - một trong 3 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã viết như thế sau khi được các bác sỹ Việt Nam điều trị khỏi bệnh. Ngày xuất viện, hai cha con anh cúi rạp mình để cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam - những người đã phải bỏ qua niềm vui sum vầy cùng người thân, gia đình vào những ngày Tết cổ truyền. Đây là cách họ "ngả mình" kính trọng và nể phục trước y đức và tình người của những người thầy thuốc Việt Nam.
 
Có lẽ, chính bản thân anh Li Zichao cũng như tập thể y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy không quên được ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Đó cũng là ngày mà các bác sỹ tiếp nhận hai người bệnh gồm 2 cha con là ông Li Ding (66 tuổi) và Li Zhichao (28 tuổi) đến từ Trung Quốc được xác định mắc COVID-19 - dịch bệnh đang làm mưa làm gió ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
 
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Bệnh Nhiệt đới là người đầu tiên tiếp cận 2 bệnh nhân Trung Quốc kể: “Như thường lệ, đêm 22/1, tức 28 Tết, tôi vào ca trực đêm. Thường thời điểm này ca trực cũng trở nên nhàn nhã hơn khi đa số bệnh nhân được cho xuất viện về nhà đón Tết với gia đình nhưng không ngờ đó là một ca trực bận rộn, suốt đêm chúng tôi gần không được nghỉ”.

Bác sỹ Bình nhớ lại, khoảng 19 giờ hôm đó, Khoa Cấp cứu báo lên có 2 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, ngay lập tức khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kỹ càng, chị xuống Khoa Cấp cứu khám và tiếp nhận bệnh nhân.

Khi trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân với những triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở giống với dịch bệnh đang làm mưa làm gió ở Vũ Hán (Trung Quốc), đặc biệt là bệnh nhân này đi từ Vũ Hán qua, chị nghĩ ngay đến COVID-19.

Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần là dịch bệnh sẽ đến nhưng lại không ngờ là nó đến nhanh và đến vào những ngày cận Tết Nguyên đán như vậy”, bác sỹ Bình cho hay.
 
Lúc đó, một khu cách ly được thành lập ngay tại Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời một lối đi an toàn cũng được thiết lập ngay trong khuôn viên bệnh viện để vận chuyển người bệnh đến khu cách ly một cách an toàn. Từ đây, chuỗi 21 ngày khó khăn, xuyên Tết điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 bắt đầu.
 
Dốc toàn lực cứu người
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời điểm xác định 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam là thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi trước đó, kế hoạch trực Tết đã được phân công rõ ràng nhưng ngay khi 2 bệnh nhân đặc biệt này nhập viện, lệnh báo động đỏ toàn khoa đã được đưa ra và toàn bộ nhân viên y tế phải có mặt sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Sau khi hoàn thành ca trực cuối năm vào ngày 28 Tết, điều dưỡng Trần Thị Hải bắt đầu nghĩ đến việc đi mua sắm để đón Tết cùng gia đình. Thế nhưng đến sáng 29 Tết, chị đột ngột nhận được điện thoại của lãnh đạo Khoa triệu tập khẩn cấp.

Khi vào đến bệnh viện, nhận thông tin có ca dịch bệnh mới, dù khá lo lắng nhưng chị Hải vẫn không ngần ngại tiếp nhận nhiệm vụ được giao. “Tôi chỉ kịp nhắn với người nhà, năm nay tôi sẽ không nghỉ Tết và bước vào ca trực luôn”, chị Hải nhớ lại.
 
Còn chị Huỳnh Thị Sáu, nhân viên vệ sinh tại Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy lại trở thành người duy nhất của bộ phận vệ sinh vào ra khu vực cách ly người bệnh xuyên suốt những ngày Tết. Đều đặn mỗi ngày hai lần chị Sáu thực hiện công việc dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc đang điều trị.

Năm nay, chị Sáu không nghỉ Tết mà nhận trực thay cho đồng nghiệp về quê. Mỗi lần vào phòng bệnh, cũng như các nhân viên y tế khác, chị đều phải mang đồ bảo hộ kín cả người.

Công việc dọn dẹp vệ sinh khá đặc thù nhưng phải mặc đồ bảo hộ rất khó để làm việc. Dọn dẹp, khử trùng trong phòng bệnh cũng phải mất hơn 1 tiếng, mỗi lần như thế mồ hôi đều túa ra như tắm nhưng mình vẫn phải tuân thủ các quy định của công việc”, chị Sáu cho hay.
 
Dù đã được tập huấn, hướng dẫn và cảnh báo về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 nhưng bác sỹ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới - một trong những bác sỹ chính điều trị cho hai bệnh nhân đầu tiên chia sẻ, có những thời điểm rất khó khăn khi thể trạng của bệnh nhân Li Ding rất yếu, lại mắc nhiều bệnh nền khác như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư phổi...

Thậm chí ngày thứ 4 sau nhập viện, bệnh nhân này có những diễn tiến xấu nhưng nhờ sự phối hợp nhiều chuyên khoa, xử trí kịp thời, anh và các cộng sự đã giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy hiểm.

Rất may mắn là Bệnh viện Chợ Rẫy có nhiều chuyên gia đầu ngành về tất cả các lĩnh vực nên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ kịp thời để đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sỹ Sang cho hay.
 
Bác sỹ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thừa nhận, quá trình điều trị cho 2 bệnh nhân đầu tiên thật sự rất áp lực bởi nguy cơ bệnh nhân Li Ding có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Chị bộc bạch: “Với tình trạng của bệnh nhân Li Ding, việc tử vong là điều dễ hiểu vì đánh giá tiên lượng ban đầu rất xấu nhưng chúng tôi vẫn mong muốn cứu sống bệnh nhân bởi ngoài việc cứu sống một con người thì việc tạo niềm tin cho người dân về sự chiến thắng trước chủng virus mới nguy hiểm này cũng vô cùng quan trọng”.
 
Và những nỗ lực của 28 con người ngày đêm túc trực, theo dõi được đền đáp, từ tiên lượng xấu, không thể tự đứng lên, bệnh nhân Li Ding bắt đầu có tiến triển tốt. Rồi như một kỳ tích, sau 21 ngày, người đàn ông này vững vàng bước ra khỏi khu cách ly trong tình trạng khỏe mạnh nhất. Liên tục cúi đầu cảm ơn các bác sỹ Việt Nam, ông Li Ding thốt lên xúc động: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khỏe như lúc này, cảm ơn các bác sỹ Việt Nam”.
 
Anh Li Zichao thừa nhận, cả 2 bố con anh thật may mắn khi phát bệnh ở Việt Nam bởi nếu như phát bệnh tại tâm dịch Vũ Hán - quê hương của anh thì với sự quá tải của hệ thống y tế nơi đây, bố anh khó lòng vượt qua lưỡi hái tử thần./. (còn tiếp)
           Đinh Hằng
               Bài 2: Tình người bên trong khu cách ly
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm