Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017

Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017
Chàng trai người Pà Thẻn “vượt núi rừng” đến với đấu trường Quốc tế

Đó là chàng trai Phù Thái Việt, sinh năm 1997, dân tộc Pà Thẻn, quê ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Việt sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, thế nhưng em đã có những thành tích đáng kể đóng góp cho thể thao Việt Nam trong môn Pencak silat.    


Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017 ảnh 1
Em Phù Thái Việt, dân tộc Pà Thẻn, đạt nhiều thành tích cao môn Pencak silat trên đấu trường trong nước quốc tế. Ảnh: Nam Sương

Năm 2011, khi đang học lớp 8, với thể hình của chàng trai núi rừng vạm vỡ, cao to, Việt đã được các thầy ở Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Hà Giang chọn làm nhân tố cho môn Pencak silat của tỉnh. Việt chia sẻ với chúng tôi: “ Lúc được các thầy trên tỉnh chọn, mặc dù chưa biết về môn Pencak silat nhưng nghe các thầy giới thiệu, em đã thấy môn võ rất thích hợp với mình và em đồng ý lên tỉnh để bước vào con đường thể thao”.

Rời trường cấp 2 ở Bắc Quang, Việt lên Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Hà Giang và bắt đầu tập môn Pencak silat. Xác định đây sẽ là sự nghiệp của mình, bao ngày tháng trôi qua, biết bao giọt mồ hôi đã rơi xuống sàn tập, bằng sự quyết tâm và cố gắng của mình, chàng trai dân tộc  thiểu số ít người đạt được những kết quả đáng kể.

Phù Thái Việt đã vươn ra đấu trường quốc tế bằng khả năng của bản thân, đem lại vinh quang cho đất nước. Năm 2014, Việt đạt Huy chương vàng (HCV) Giải Trẻ toàn quốc, năm  2015 đạt Huy chương đồng (HCĐ) giải Cup các Câu lạc bộ Quốc gia, năm 2016 đạt HCĐ giải Sinh viên Đông Nam Á, tháng 4/2017 đạt HCĐ giải Vô địch Đông Nam Á, tháng 7/2017 đạt HCV giải Trẻ Quốc gia, tháng 10/2017 đạt HCV Cúp các CLB toàn quốc.

Hiện tại, em đang thi đấu cho đội tuyển Quốc Gia môn Pencak silat và theo học năm thứ 3, khoa huấn luyện trường Đại học Thể thao Bắc Ninh với mong muốn mai sau trở về quê hương Hà Giang làm Huấn luyện viên tiếp tục đào tạo và phát hiện ra những em dân tộc thiểu số ở quê hương có năng khiếu, yêu thích thể thao để đóng góp cho nền thể thao của tỉnh cũng như của Việt Nam. Từ khi bước vào sự nghiệp thể thao, em đã tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình và giúp đỡ bố mẹ phần nào khi em được thưởng từ những thành tích cao.
Với sự cố gắng, nỗ lực giành được nhiều giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước, em Phù Thái Việt vinh dự được vinh danh trong " Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2017 ".

“Cô giáo” tương lai vượt khó đạt điểm cao trong kỳ thi đại học
Đó là em Hồ Thị Nữ, dân tộc Tà Ôi, ở xã A Túc, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Với sự ham học và yêu thích môn Văn và Lịch Sử, em đã thi đỗ trường Đại học Sư Phạm Hà Nội với số điểm cao 25,5 điểm.
Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017 ảnh 2
Em Hồ Thị Nữ, dân tộc Tà Ôi đã vượt khó để đạt được ước mơ làm cô giáo. Ảnh: Nam Sương 
Bố mẹ chỉ làm nông, trồng sắn là chủ yếu, nhà nghèo nên Nữ luôn có ý thức và tự giác học tập. Ngoài những giờ học trên lớp, về nhà, em luôn tìm thêm tài liệu và học qua bè bạn, đặc biệt là môn Văn và Lịch sử. Ngay từ những năm học cấp 1, em đã đạt giải Ba cuộc thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện. Lên cấp 2, 4 năm liền em đạt học sinh giỏi và đạt giải Nhì môn Lịch sử cấp huyện. Ở cấp 3, em đạt giải Khuyến khích môn Văn cấp trường (Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa) và đặc biệt, em đã đỗ vào trường  Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm cao. Đó là những kết quả đáng ghi nhận với em nữ sinh nhà nghèo vượt khó.

Chia sẻ về bí quyết trong học tập, Hồ Thị Nữ cho biết: “ Em ở vùng dân tộc miền núi xa xôi, nhà lại nghèo nên không có điều kiện học thêm nên em phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó tìm hiểu và mượn thêm sách tham khảo của bạn bè, học môn sử theo cách hệ thống, logic, học đâu nhớ đấy và đặc biệt tâm hồn em luôn mở, bay bổng để có được những bài văn hay ”.

Thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Hồ Thị Nữ đạt được ước mơ từ nhỏ là lớn lên làm cô giáo. Em mong muốn sau khi ra trường trở về quê hương làm việc để ươm những mầm non của đất nước. Em Hồ Thị Nữ vinh dự được có tên trong " Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2017 ".  

Phó bí thư tài năng đam mê môn Sinh học
Nhìn cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn Lê Thị Huệ Chi (dân tộc Nùng), ở thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên), ít ai có thể nghĩ đây là người có thành tích học tập và số lượng giải thưởng vô cùng đáng nể.

Bố là bộ đội về hưu, mẹ ở nhà nội trợ, ngay từ nhỏ Huệ Chi đã rất tự giác trong việc học tập và đặc biệt yêu thích môn Sinh học. Có niềm đam mê cùng với sự dìu dắt của thầy cô, em đạt thủ khoa đầu vào lớp 10 chuyên Sinh của trường PTTH chuyên Thái Nguyên. 
Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017 ảnh 3
Em Lê Thị Huệ Chi, dân tộc Nùng, đạt giải Nhì môn Sinh học trong kỳ thi
Quốc gia 
Trong suốt 12 năm học, Chi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và sở hữu rất nhiều giải thưởng như: học bổng Vừ A Dính, học bổng Bảo Việt, học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi khu vực duyên hải đồng bằng và Bắc Bộ, học bổng Vallet 2017, giải máy tính cầm tay, nhiều năm liền đạt giải Nhất Học sinh Giỏi cấp tỉnh và vượt cấp môn Sinh, giải Nhì học sinh giỏi Cấp Quốc gia môn Sinh...

Chi thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội với điểm số khá cao và hiện em đang theo học chương trình bác sĩ tài năng AUF bằng tiếng Pháp. Em mong muốn sau khi ra trường sẽ được sang Pháp học tiếp. Chi chia sẻ: “Hiện ở Thái Nguyên, nhiều địa phương vẫn còn khó khăn và chưa phát triển về y tế. Em mong muốn sau khi học xong, có kiến thức sẽ trở về quê hương làm việc, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo  đúng theo tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên “.

Không chỉ đạt nhiều thành tích cao trong học tập, Huệ Chi còn là một Phó Bí thư chi Đoàn năng nổ, nhiệt tình của lớp.

Cậu bé nghèo mong giúp đỡ được nhiều người nghèo

Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, ngay từ nhỏ, em Lý Văn Thắng (dân tộc Cống), quê ở thị xã Mường Tè (Lai Châu), sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Luật luôn có ý thức vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Những “bông hoa” miền sơn cước được tuyên dương năm 2017 ảnh 4
Em Lý Văn Thắng, dân tộc Cống, đỗ Đại học Luật Hà Nội với điểm số cao.
Ảnh: Anh Đào 
Bố Thắng là lao động chính trong gia đình nhưng là giáo viên đi dạy học ở xa một tuần mới về một lần. Mẹ Thắng chỉ ở nhà làm nội trợ. Không có người kèm cặp, sát sao chuyện học hành nhưng Thắng rất tự giác. Ngoài giờ lên lớp, Thắng đều về nhà phụ giúp mẹ cơm nước và làm đệm để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống vất vả nhưng 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và đỗ đại học với số điểm rất cao 27,25 điểm.

Tiếp xúc với Thắng, dễ dàng nhận thấy đây là một cậu bé trầm tính và chững chạc hơn tuổi thật rất nhiều. Chia sẻ về lý do chọn thi trường Luật, Thắng cho biết, vốn gia đình không có điều kiện kinh tế và khi tiếp xúc nhiều với những hoàn cảnh khó khăn nên em cảm nhận rõ được sự cần thiết trong việc giúp đỡ những người yếu thế hơn mình. Thắng cho rằng sống trên đời mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thì khác nào không tồn tại. Hơn nữa, hiện nay ở nước ta có ít cán bộ pháp lý nên theo nhu cầu của xã hội và cũng là phù hợp với sở thích, em chọn học luật để có công việc ổn định, có thể giúp đỡ được nhiều cho gia đình.

Ước mong sau khi ra trường của Thắng là tìm được công việc tại một cơ quan nhà nước hoặc một văn phòng luật để có thể bảo vệ pháp lý, giúp đỡ cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo.
                                                                                                                                     
      Hoàng Tâm - Nam Sương - Anh Đào

Có thể bạn quan tâm