Những bộ tộc nguyên thủy

Những bộ tộc nguyên thủy
Cuộc sống người Nenets gắn chặt với chăn nuôi tuần lộc.
1. Bộ tộc Brokpa

Người Brokpa sống ở hai ngôi làng Merak và Sakten thuộc vùng đất hẻo lánh phía đông Buhtan ngay vùng biên giới giữa Bhutan với Arunachal Pradesh, Ấn Độ suốt nhiều thế kỷ qua. Đây là khu vực có sự chênh lệch lớn về độ cao, sương mù bao phủ quanh năm không thích hợp để trồng trọt. Vì vậy, họ sống dựa hoàn toàn nhờ vào nghề chăn thả gia súc. 

Cư dân Brokpa nuôi bò yak và cừu để lấy thịt và lông của chúng, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Thịt và sữa của các con vật này sẽ là thực phẩm chính, trong khi của lông chúng được dùng để se sợi, sau đó dệt thành vải và nhuộm màu, từ đó tạo ra các bộ trang phục sặc sỡ. Một trong những phụ kiện không thể thiếu của người Brokpa là chiếc mũ làm từ lông bò yak. Nó được thiết kế để tránh mưa táp vào mặt khi gắn thêm các lọn tóc. Vào những tháng mùa hè, người Brokpa sống du cư, di chuyển tới các vùng đất thích hợp để chăn thả gia súc.
 
Người Brokpa sống ở khu vực hẻo lánh phía đông Bhutan.
 
Hồi tháng 7/2015, nhiếp ảnh gia AJ Heath đã tìm đến bộ tộc Brokpa và dành khoảng gần một tháng sống tại đây để tìm hiểu về phong tục tập quán của những dân tộc tại quốc gia được mệnh danh “hạnh phúc nhất thế giới”. “Người Bhutan rất thân thiện. Hầu hết những người thấy tôi chụp ảnh đều mời tôi uống trà sữa và thêm vài cốc Ara (một loại đồ uống địa phương). Không quá nhiều nơi trên thế giới mà người dân lại gửi lời “cảm ơn” khi chụp ảnh”, Health chia sẻ.

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Brokpa đã sống cuộc sống đơn giản theo truyền thống. Tuy nhiên, việc nhập và sử dụng nhiều mặt hàng đã khiến họ xả ra các loại rác thải không thể phân hủy. Hơn nữa, ngày càng có nhiều du khách khắp nơi đổ đến khiến các chuyên gia lo sợ rằng, văn hóa và truyền thống của người Brokpa sẽ bị mai một dần.
 
Người Brokpa sống phụ thuộc vào chăn thả gia súc.

2. Bộ tộc Raute

Người Raute sống sâu trong những khu rừng rậm rạp ở tỉnh Surkhet, miền đông Nepal. Đây là bộ lạc du mục sống khép kín, hiếm khi tương tác với người dân bản địa khác và cũng gần như không cho phép người ngoài can thiệp vào đời sống của họ. 

Những người Raute phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Họ không biết cách trồng trọt hay chăn nuôi. Thay vào đó, họ vẫn sống nguyên thuỷ bằng cách săn bắn và hái lượm. Họ đặt bẫy động vật hoang dã như khỉ, lợn rừng và tìm kiếm các loại rau cỏ có thể ăn được.
 
Người Raute sống trong những túp lều tạm bợ.
 
Lao động cũng được phân công rõ ràng tại bộ tộc Raute. Phụ nữ chủ yếu làm các công việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, lấy nước, lượm củi và nhặt hạt ngũ cốc trong khi đàn ông đi săn bắt thú rừng. Một điểm thú vị của bộ tộc này đến từ vấn đề hôn nhân. Các cặp nam nữ sẽ đến với nhau qua những bài hát trong lễ hội truyền thống.
 
Trẻ em Raute.
 
Bộ lạc người Raute hiện có tổng dân số còn không đến 150 người. Mỗi cộng đồng người Raute gồm khoảng 15-35 người sẽ di chuyển khoảng 2 tháng/lần để tìm kiếm thức ăn. Do di chuyển liên tục, người Raute không xây nhà ở mà dựng những túp lều từ lá và cành cây, vải vóc.

3. Bộ tộc Nenets 

Nenets là bộ tộc thiểu số sống ở cực Bắc của Nga với dân số vào khoảng hơn 41.000 người. Đây một trong những vùng đất lạnh nhất thế giới, nơi băng tuyết bao phủ quanh năm nên cuộc sống người dân nơi đây khá thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động hàng ngày của người Nenets gắn chặt với tuần lộc- tài sản quý giá nhất của họ. Chúng là nguồn thực phẩm chính, cũng là nguyên liệu để làm quần, áo, giày, mũ và nhiều vật dụng khác. Thậm chí, thảm trải nhà hay những căn lều của mỗi gia đình người Nenets cũng làm từ da tuần lộc.
 
Người Nenets có tập tục ăn thịt sống và uống máu tươi tuần lộc.
 
Người Nenets nổi tiếng trên thế giới với tập tục sinh hoạt rất kỳ lạ: ăn thịt sống và uống máu tươi của tuần lộc. Đây là cách người dân duy trì cuộc sống để chống lại thời tiết khắc nhiệt từ hàng nghìn năm nay.

Không chỉ là nguồn thực phẩm và nguyên liệu quý, tuần lộc còn đóng vai trò làm phương tiện di chuyển. Vào mùa hè, người Nenets đưa vật nuôi lên phía bắc. Khi đông tới, nhiệt độ ngoài trời có thể hạ xuống -50 độ C, họ di cư xuống phía nam để chăn thả tuần lộc trong các đồng cỏ.
Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm