Tuyên truyền tạo chuyển biến ý thức tự lực giảm nghèo cho người dân

Tuyên truyền tạo chuyển biến ý thức tự lực giảm nghèo cho người dân
Đánh giá thực trạng và nguyên nhân nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua, các đại biểu ghi nhận tác động tích cực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức xã hội, nhờ vậy công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vương Thoại Trung-TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vương Thoại Trung-TTXVN
 
Tỷ lệ thoát nghèo hàng năm đạt chỉ tiêu, nhưng số hộ nghèo mới vẫn còn khá cao, đa số hộ thoát nghèo còn thuộc chuẩn cận nghèo, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tốc độ giảm nghèo không đồng đều, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chậm. Nguyên nhân do trình độ học vấn thấp, thiếu đất sản xuất và phương tiện sản xuất, đông con nhỏ, do đau ốm thiên tai...
 
Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho thấy năm 2016 toàn tỉnh có 45.789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,45%, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24% và cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,89%. Mức giảm bình quân là 1,52%/năm, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh đề ra.
 
Tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như  cấp hơn 792.692 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo; miễn, giảm học phí cho trên 370.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho 1.167 hộ nghèo từ vốn vay tín dụng, ngân sách hỗ trợ và gia đình đóng góp, đạt 100% số hộ thực tế có nhu cầu hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc và các địa phương đã hỗ trợ 700 hộ xây dựng nhà...
 
Từ năm 2016 đến 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh dạy nghề cho 75.400 lao động, giải quyết việc làm cho trên 91.697 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 4%. Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng đã cho 66.920 hộ vay số tiền trên 1.576,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách về trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ tiền điện và hỗ trợ thông tin cho hộ nghèo, cận nghèo cũng được thực hiện đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vương Thoại Trung-TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vương Thoại Trung-TTXVN

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý, công tác giảm nghèo hiệu quả nhưng chưa bền vững, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân là rào cản thực hiện giảm nghèo, việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở nông thôn chưa đạt như mong muốn, số lao động đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, chuyển biến ý thức tự lực giảm nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững; các địa phương phải thực hiện việc rà soát, phân nhóm các đối tượng và tích hợp chính sách giảm nghèo để có hình thức hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả theo chỉ tiêu đề ra./.
  Vương Thoại Trung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm