Long An phát triển vùng biên giới thành vùng kinh tế năng động

Long An phát triển vùng biên giới thành vùng kinh tế năng động
Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới trở thành vùng kinh tế năng động, khai thác tiềm năng về đất đai để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất lúa (hơn 2 triệu tấn/năm chiếm trên 80% sản lượng lương thực của tỉnh). Đồng thời, địa phương cũng có chính sách ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư trong ngoài nước để hình thành và phát triển khu, cụm công nghiệp dọc biên giới, xây dựng và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Tái cơ cấu nông nghiệp vùng biên 
Tỉnh Long An xác định chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng biên giới. Theo đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu hoạch lúa bằng máy trên cánh đồng lớn tại ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An). Ảnh: nhandan.com.vn
Thu hoạch lúa bằng máy trên cánh đồng lớn tại ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An). Ảnh: nhandan.com.vn
Cách làm này đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như nâng thu nhập - đời sống người nông dân. Địa phương cũng thực hiện vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 20.000 ha tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. 

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang thực hiện 54 mô hình (tương đương 2.900 ha) ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, cơ giới hóa đồng bộ các khâu, sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học, sử dụng giống xác nhận, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP… tại 26 xã vùng biên giới. 

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện 28 mô hình (gồm 26 mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mỗi mô hình 50 ha và 2 mô hình hữu cơ, mỗi mô hình 150 ha). Các huyện chủ trì 26 mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mỗi mô hình 50 ha. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng từ 1 - 3 mô hình lai tạo, sản xuất giống lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với xây dựng nhãn nhiệu, xác lập sở hữu trí tuệ, hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh từ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ…’ 

Khu kinh tế cửa khẩu Long An đã được tỉnh Long An quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên là 13.080 ha, gồm cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) và cửa khẩu phụ Long Khốt thuộc huyện Mộc Hóa. 

Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Long An nằm trong khu vực biên giới giáp Campuchia là cửa ngõ quốc tế phía Tây của tỉnh Long An, nằm trên Quốc lộ 62, kết nối với trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Đây là trục hành lang kinh tế quan trọng nằm phía Tây tỉnh Long An. Khu kinh tế cửa khẩu này là một trong những đầu mối giao thương quan trọng trong vùng Đồng Tháp Mười gắn với hệ thống giao thông xuyên Á.

Tỉnh Long An đặt mục tiêu hình thành một không gian Khu kinh tế tổng hợp có vai trò là một hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. 

Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. Thời gian qua, chính quyền 2 tỉnh Long An và Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) phối hợp tốt trong việc giải quyết vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại dựa trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. 

Nhiều giải pháp phát triển bền vững 
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, địa phương ưu tiên nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, đặc biệt quan tâm thủy lợi phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản các huyện vùng biên giới. Tỉnh cũng thực hiện xây dựng trung tâm phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Các mô hình nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao được nghiên cứu, phát triển. Quy hoạch hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao và cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu đối với vùng này. Ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện và thị xã vùng biên giới quy hoạch cải tạo nông thôn kết hợp với việc hình thành khu đô thị, mở rộng khu dân cư gắn với khu, cụm công nghiệp tập trung.
Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Long An đến khảo sát trực tiếp tại công trình hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu trong thị xã Kiến Tường về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2014-2016 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý, phân bổ và vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh vào ngày 09/5/2017. Ảnh: Báo Long An online
Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Long An đến khảo sát trực tiếp tại công trình hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu trong thị xã Kiến Tường về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2014-2016 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý, phân bổ và vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh vào ngày 09/5/2017. Ảnh: Báo Long An online
 
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp nhất là giao thông, điện, nước. Hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được nâng cao. Tỉnh thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất. Tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực, nâng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi đầu tư vào sản xuất khu vực biên giới của địa phương. 

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An khẳng định: Mục tiêu phát triển vùng biên giới là xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với khu kinh tế cửa khẩu thành động lực phát triển kinh tế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ kinh tế trọng điểm của địa phương. Hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại hai cửa khẩu Bình Hiệp và Mỹ Quý Tây, đảm bảo quản lý và khai thác tốt lợi thế về cửa khẩu. 

Đồng thời, vấn đề an ninh, quốc phòng được đảm bảo để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khu kinh tế cửa khẩu vùng này bảo đảm liên kết tốt với các trục giao thông chính quốc gia và quốc tế. Hiện tỉnh Long An phát triển chuỗi đô thị trong khu kinh tế bao gồm: đô thị trung tâm là thị xã Kiến Tường và các điểm dân cư tập trung tại các xã và khu vực cửa khẩu Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây. Trung tâm Du lịch sinh thái khu kinh tế có sức hấp dẫn được hình thành tạo liên kết chặt chẽ với hệ thống Trung tâm du lịch tỉnh Long An và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên sẵn có của khu vực này./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm