Chung tay phát triển văn hóa đọc - Bài 2

Chung tay phát triển văn hóa đọc - Bài 2
Bài 2: Nhiều động thái tích cực
Tiết đọc sách - giải pháp hữu hiệu 
Với cách tiếp cận của một người làm khoa học và trực tiếp giảng dạy tại trường Đại học, Phó Giáo sư Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt cho rằng, ở nhà trường, chương trình giáo dục cần định thời gian cụ thể để học sinh được đọc sách.
Các em học sinh Trường tiểu học Đông A (tỉnh Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện thân thiện. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN
Các em học sinh Trường tiểu học Đông A (tỉnh Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện thân thiện. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Một không gian cho học sinh được chọn sách mình thích đọc từ bộ sưu tập cẩn thận của nhà trường và được đọc một cách thư giãn, không hối hả là điều chủ yếu trong tiến trình giúp học sinh phát triển thói quen và niềm yêu thích đọc sách.

Học sinh cần được giúp để hiểu rằng đọc là một hoạt động xã hội và sẽ rất thú vị khi được chia sẻ, đưa ra những ý kiến riêng đối với những cuốn sách mà mình đã đọc với bạn bè, giáo viên. Điều này được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh là đặc biệt đúng đối với nhiều đứa trẻ không có được môi trường đọc sách ở nhà.
 
Cô Trần Thị Ánh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) có quan điểm, để duy trì và phát triển niềm đam mê đọc sách cho học sinh tiểu học, tiết đọc sách là tiết học duy nhất trong nhà trường có thể giúp học sinh phát triển tất cả các yếu tố về nhu cầu, hứng thú đọc, kỹ năng đọc, thói quen đọc và thái độ ứng xử với tài liệu, là nền tảng để học sinh trở thành người đọc độc lập.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều trường chưa quan tâm đến tiết đọc sách, chưa tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho một bộ phận học sinh. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo chung từ cơ quan quản lý để có thể đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của các trường; đồng thời quan tâm bồi dưỡng cho giáo viên nghiệp vụ để tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả tiết đọc sách trong nhà trường.
 
Đồng tình với việc tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường, cô Trần Ngọc Thụy Trân, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Hiền (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm học 2017-2018, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Hiền đã xây dựng kế hoạch và phát triển thư viện thành "Trái tim của nhà trường". Các giáo viên bộ môn Ngữ văn bàn bạc, sắp xếp để bố trí tiết đọc sách tại Thư viện trong tiết Ngữ văn, đảm bảo học sinh tất cả các lớp đều có tiết đến thư viện đọc sách.

Với thời lượng 45 phút, học sinh không thể đọc toàn bộ cuốn sách, giáo viên hướng dẫn học sinh chọn đọc từ 1-3 câu chuyện ngắn. Sau đó, về nhà, các em sẽ viết những cảm nhận, điều tâm đắc từ câu chuyện đã được đọc. Học sinh của trường đã cảm thấy rất thú vị với việc được thay đổi không gian và hình thức học tập thông qua tiết đọc sách, các em được chia sẻ các câu chuyện, bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình…
 
Tăng cường đưa sách đến người đọc 
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, trong học sinh nói riêng, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh trong nhà trường xét cho cùng chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bởi lẽ, chương trình giáo dục mới này hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu như: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ, thể chất...

Theo ông Lê Hoàng, ngành Xuất bản Việt Nam những năm gần đây đã có sự chuyển mình tích cực. Đặc biệt, ngày càng có nhiều dòng sách phong phú về nội dung đa dạng về đề tài, góp phần phát triển tri thức, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường.
 
Liên quan đến việc đưa sách đến với bạn đọc, Nhà văn Văn Thành Lê, chuyên trách truyền thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng cho rằng: Làm sách hay, sách đẹp đã khó, để từng cuốn sách đến được tay người đọc lại càng khó hơn. Nhà xuất bản Kim Đồng đã chủ động thực hiện chương trình "Cùng trang sách bước đến tương lai”, tổ chức giao lưu với học sinh và giáo viên hơn 70 trường học  ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc miền Đông, miền Tây Nam Bộ nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu sách, tuyên truyền việc đọc sách..

Nhà xuất bản tổ chức cho các em học sinh đến Trung tâm Sách Kim Đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu về thế giới sách, quy trình làm sách, để các em được trải nghiệm việc chọn sách, giao lưu với tác giả của nhiều cuốn sách được độc giả yêu thích.
 
Nhìn nhận một cách tổng thể, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, cần có chiến lược đầu tư, phát triển của ngành Xuất bản- In- Phát hành dành cho thiếu nhi ở các dạng thức: Sách ngoài sách giáo khoa, sách giấy, sách điện tử, sách nói, sách tương tác…

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành có những ưu đãi, khích lệ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh sách có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục măng non; kêu gọi trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp làm sách thông qua việc xuất bản các sản phẩm chất lượng, an toàn và lành mạnh dành cho thiếu nhi./. (tiếp theo và hết)
             Thanh Trà
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm