Cà Mau tăng cường kiểm soát, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Cà Mau tăng cường kiểm soát, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Qua thống kê hàng năm tại Bệnh viện cho thấy, số bé trai luôn cao hơn bé gái. Đơn cử, trong số 8.525 ca đẻ của năm 2018, có 4.419 bé trai (51,8%) và 4.106 bé gái (48,2%). Riêng 11 tháng năm 2019, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 7.785 ca, trong đó có 4.126 bé trai (53%) và 3.659 bé gái (47%).
Bác sỹ Trương Chí Nguyện, Trưởng Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tư vấn về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho các thai phụ. Ảnh: Kim Há-TTXVN
Bác sỹ Trương Chí Nguyện, Trưởng Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tư vấn về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho các thai phụ. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông dân số gắn với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bệnh viện thường xuyên tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục về mối nguy hại của việc phá thai lựa chọn giới tính thai nhi.

Đồng thời, Bệnh viện phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trạm Y tế xã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho các viên chức trạm Y tế, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên dân số và phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các địa bàn khóm, ấp.

Bên cạnh đó, Bệnh viện còn chú trọng tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên về khám sức khỏe tiền hôn nhân, lợi ích khi chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai. Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên đã góp phần làm chuyển biến đáng kể về nhận thức, hành vi của các cặp vợ chồng trong diện  sinh đẻ ở Cà Mau. 
Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của Cà Mau đang ở ngưỡng 113,2 bé trai/100 bé gái. Ảnh: Kim Há
Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của Cà Mau đang ở ngưỡng 113,2 bé trai/100 bé gái. Ảnh: Kim Há

Tuy vậy, ở Cà Mau vẫn còn một bộ phận người dân có quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ sinh con một bề là gái thì việc truyền thông, vận động kế hoạch hóa gia đình càng gặp khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Thị Xuân Mai, 30 tuổi ở phường 9 (thành phố Cà Mau) đã hai lần ''vượt cạn'' nhưng cả hai cháu đều là gái. Chị Xuân Mai tiếc nuối, giá như vợ chồng chị sinh con có nếp, có tẻ để vui cửa, vui nhà. Song do hai lần sinh phải phẫu thuật lấy thai nên còn do dự là có nên sinh thêm cháu thứ 3 hay không?
 
Bác sỹ Trương Minh Kiển cho hay, để góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, Bệnh viện chủ trương cho các khoa cung cấp dịch vụ khi thực hiện siêu âm thai không được phép công bố giới tính; đồng thời, chỉ tiếp nhận xử trí cho trường hợp thai phụ gặp sự cố do bệnh lý. 
Kiểm tra cân nặng trẻ sơ sinh tại Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Kiểm tra cân nặng trẻ sơ sinh tại Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Bác sỹ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế tỉnh Cà Mau) cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh theo Quyết định số 1918/QĐ-UBND được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cố gắng phấn đấu đến năm 2025, sẽ kéo tỷ số này xuống còn ở ngưỡng 107 bé trai/100 bé gái và duy trì tỷ số này, không để tỷ số giới tính khi sinh gia tăng vượt quá ngưỡng cho phép.
 
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú để làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành vi của mỗi cặp vợ chồng trong diện tuổi sinh đẻ trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó có vấn đề chọn lựa giới tính khi sinh. 

Ngoài ra, thông qua mạng lưới cộng tác viên cơ sở, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ  đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp theo phương châm ''Mưa dầm thấm lâu'', kết hợp lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ ''Tiền hôn nhân'', ''Phụ nữ không sinh con thứ 3'', ''Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình''... để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề tiền hôn nhân, mất cân bằng giới tính khi sinh, tác hại của việc phá thai nhằm chọn lựa giới tính thai nhi.
Một ca sinh thường tại Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Ảnh: Kim Há-TTXVN
Một ca sinh thường tại Khoa sanh Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Bác sỹ Nguyễn Cao Hùng chia sẻ, tuy mức sinh của tỉnh giảm nhưng chưa đảm bảo yếu tố bền vững, bởi ảnh hưởng quan niệm ''Sinh con trai nối dõi'', 'Sinh phải có đủ nếp đủ tẻ'' vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi cặp vợ chồng, khó có thể lay chuyển về nhận thức và hành vi trong một sớm, một chiều. Do đó, vấn đề tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái đang có xu hướng gia tăng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với những người làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nơi cực Nam của Tổ quốc./.
 Kim Há
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm