Trang phục truyền thống đón Tết ở một số nước trên thế giới

Trang phục truyền thống đón Tết ở một số nước trên thế giới
Ngoài việc lựa chọn những trang phục hiện đại, phụ nữ ở châu Á còn diện những trang phục truyền thống nhằm lưu giữ tinh hoa văn hóa cũng như thể hiện niềm tự hào dân tộc. Dù mỗi nước có những trang phục truyền thống khác nhau nhưng điểm chung là thường mang sắc màu sặc sỡ, phù hợp với mùa lễ hội đầu năm.

Việt Nam

Ra đời vào những năm đầu của thế kỷ XVII, trải qua bao thăng trầm cùng chiều dài lịch sử, tà áo dài luôn được xem là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, thể hiện rõ nét những tinh hoa, linh hồn và tính cách của người phụ nữ Việt Nam.

Dù được thiết kế đơn giản hay cầu kỳ, vải thô sơ hay vải lụa, vải gấm, mỗi chiếc áo dài đều gói gọn tâm huyết và sáng tạo của những người thợ may. Và mỗi dịp tết đến xuân về, trong niềm hân hoan chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc, khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, mỗi người Việt Nam lại cảm thấy tự hào hơn với lịch sử văn hóa ngàn đời của dân tộc. Trong sắc đỏ của hoa đào, sắc vàng tươi của hoa mai, vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền của người phụ nữ Việt như trở nên đằm thắm hơn trong tà áo dài truyền thống, mang quốc hồn dân tộc đi khắp năm châu. Có lẽ chính vì vậy mà người phụ nữ Việt Nam luôn chọn áo dài là bộ trang phục đẹp nhất trong những ngày tết cổ truyền.

Và trong xu hướng hội nhập của xã hội, tà áo dài truyền thống ngày nay đã được biến đổi với những cách tân hiện đại, tươi mới đáp ứng xu hướng thời trang và thị hiếu thẩm mỹ, đồng thời giúp người mặc thấy thoải mái hơn trong những chuyến du ngoạn đầu năm.

Trung Quốc

Giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ tết lớn nhất và dài nhất trong năm của người Trung Quốc. Trong dịp Tết, trang phục truyền thống được nhiều người yêu thích là bộ Sườn xám mang đậm nết văn hóa dân tộc của người Trung Quốc. Sườn xám thường có màu đỏ, gam màu vốn được xem là biểu tượng cho sự may mắn tại các nước châu Á. Ngoài ra, sườn xám mang họa tiết hoa, họa tiết cung đình cũng rất được các cô gái Trung Hoa ưa chuộng để diện vào ngày Tết.

Sườn xám của Trung Quốc ra đời cách đây hơn 2.000 năm. Vào năm 1930-1940, tại Thượng Hải-kinh đô thời trang Trung Hoa, sườn xám bắt đầu thời kỳ hoàng kim với những cách tân về kiểu dáng. Do chịu ảnh hưởng từ phương Tây, sườn xám không chỉ được cắt giảm gọn gàng hơn mà còn được may ôm sát ở phần eo. Vì thế, phiên bản cách tân này là sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông-Tây, vừa đem lại sự trang nhã vừa tôn dáng người mặc.Vào dịp Tết đến Xuân về, sườn xám mang họa tiết hoa, họa tiết cung đình được rất nhiều cô gái ưa chuộng.

Nhật Bản
 
Trang phục truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: 360nhatban.net
Trang phục truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: 360nhatban.net

Dù Nhật Bản là nước đã chuyển đón Tết Âm lịch sang Tết Dương lịch từ lâu song nhiều người dân Nhật Bản vẫn có thói quen đón Tết truyền thống. Trong dịp này, các cô gái Nhật Bản sẽ diện những bộ kimono đặc trưng với thiết kế làm nổi bật phần eo, tạo sự uyển chuyển, duyên dáng trong mỗi bước đi. Họ cũng thường chọn những mẫu kimono có họa tiết, màu sắc bắt mắt để điểm thêm nét tươi tắn, rạng rỡ cho ngày Tết đầu năm, cũng để thể hiện tình yêu thiên nhiên của con người Nhật Bản.

Màu sắc của mỗi bộ kimono cũng được lựa chọn cho phù hợp với độ tuổi. Những màu sáng có sắc nóng như màu đỏ thường được dùng cho trẻ em và phụ nữ chưa kết hôn, phụ nữ đã có chồng thường mặc kimono màu lạnh và thiết kế tay ngắn.

Ngoài ra, yukaka cũng là trang phục truyền thống có thiết kế gần giống kimono nhưng ít lớp vải hơn và có giá thành rẻ hơn.

Hàn Quốc

Hanbok là trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Đây là bộ trang phục cổ điển, mang ảnh hưởng của nền văn hóa lâu đời, đề cao sự kín đáo, tôn vinh nết duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ truyền thống Á Đông. Ngoài việc được sử dụng trong dịp Tết, Hanbok còn là loại quốc phục được rất nhiều các cô gái trẻ, các ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc yêu thích và mặc trong các sự kiện trọng đại.

Nét đặc trưng của hanbok nằm ở những hình in hoặc thêu hoa tỉ mỉ trên nền vải satin, vải lụa hoặc vải thô.Người Hàn Quốc thường khá chú trọng sự kết hợp về màu sắc trong trang phục. Vì vậy, vào những dịp quan trọng hay dịp lễ hội, họ thường mặc hanbok màu đỏ, xanh da trời, vàng, đen… vốn là những màu thể hiện rõ triết lý âm dương, ngũ hành của nền văn hóa phương Đông. Ngoài Hanbok truyền thống với nhiều lớp áo váy, giới trẻ Hàn còn diện Hanbok cách tân đơn giản và thuận tiện hơn.

Mông Cổ

Vào ngày Tết truyền thống, người dân Mông Cổ hân hoan gặp gỡ nhau, trở về đoàn tụ cùng gia đình và mặc những bộ quần áo truyền thống. Trong môi trường lạnh giá ở thảo nguyên Bắc Á, trang phục dân tộc của người Mông Cổ đón năm mới có nhiều nét đặc trưng của cư dân bản địa, bao gồm: Áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí. Tuy nhiên, mỗi một thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau thì trang phục cũng có những khác biệt. Chúng khác nhau về hình dáng, vật liệu phân biệt theo vùng, tuổi và tình trạng hôn nhân của người mặc nó. Và chỉ người Mông Cổ mới có thể phân biệt được điều này.

Quần áo truyền thống của người Mông Cổ thường ấm áp, bền và đảm bảo thoải mái, linh hoạt trong lúc cưỡi ngựa vì người Mông Cổ chủ yếu sống du mục.  Với yếu tố văn hóa dân tộc truyền thống hội tụ trong mỗi con người, cùng những trang phục truyền thống, người Mông Cổ ấp ủ mong muốn đón một năm mới yên vui, an lành và thịnh vượng…
                                                                        
An Ngọc (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm