Trang phục truyền thống đón Tết của người Mông Cổ

Trang phục truyền thống đón Tết của người Mông Cổ
Cùng với Naadam (vào tháng 7), Tsagaan Sar là một trong hai ngày tết quan trọng, được chờ đợi nhất ở Mông Cổ. Đây cũng là thời điểm kết thúc một mùa đông lạnh lẽo và bắt đầu mùa xuân nắng ấm, để người dân bản địa bước vào vụ mùa của trồng trọt, chăn nuôi. Tết Tsagaan Sar đón năm mới của người Mông Cổ được xác định theo lịch mặt Trăng và được tổ chức trong ba ngày đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch (trùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên). 

Chuẩn bị đón năm mới, người Mông Cổ dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Ai ai cũng hân hoan đón Tết trong bộ trang phục đẹp nhất. Bên cạnh những trang phục hiện đại theo phong cách phương Tây, nhiều người dân bản địa vẫn diện những trang phục dân tộc truyền thống. Họ đến thăm anh em họ hàng, bạn bè và tụ tập nhau trên Quảng trường Sükhbaatar, các công viên, trên thảo nguyên… với nhiều trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền.

Trang phục dân tộc Mông Cổ mang đậm phong cách thảo nguyên. Do chủ yếu sống du mục nên việc cưỡi trên lưng ngựa chiếm nhiều thời gian trong ngày. Hơn nữa, sống trong khí hậu lạnh của vùng cao nguyên nên quần áo truyền thống của người Mông Cổ thường phải ấm áp, bền và cũng đảm bảo thoải mái, linh hoạt lúc cưỡi ngựa hoặc khi họ ngồi trên sàn của một lều tròn (yurt).
 
Lễ hội Nadaam
Lễ hội Nadaam

Trong những ngày thường, tại các thành phố, hầu hết mọi người mặc quần áo theo thời trang phương Tây hiện đại. Quần áo dân tộc chỉ sử dụng trong dịp Tết truyền thống, các lễ hội và sự kiện đặc biệt. Trên thảo nguyên, quần áo truyền thống được mặc hàng ngày với chất liệu, màu sắc và kiểu dáng cách điệu để không bị bẩn và vướng víu. Trang phục thường thấy của người Mông Cổ khá đơn giản với chiếc áo choàng và một đôi giày cao cổ (ủng). Nhưng trong ngày Tết Tsagaan Sar, quần áo và đồ trang sức của họ khá phức tạp, nhiều màu sắc, bao gồm: Áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí. Các thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau trên thảo nguyên Bắc Á này thường có nhiều dấu hiệu khác biệt trong thời trang của họ. Chúng khác nhau về hình dạng và vật liệu theo các vùng, tuổi và tình trạng hôn nhân của người sở hữu. Chỉ có thể là người Mông Cổ mới có thể phân biệt được điều này. 

Vào những ngày đầu xuân, rất dễ nhận thấy điểm chung trong trang phục của người Mông Cổ là tấm áo choàng, người bản địa gọi là Deel (tiếng Mông Cổ đọc là:  Дээл). Trên đường phố cũng như trong các gia đình, khách và chủ nhà, cả nam nữ, già trẻ đều thích mặc loại áo choàng. Trong quá khứ, Deel là trang phục truyền thống của người Mông Cổ và nhiều bộ lạc du mục khác ở Trung Á. Loại áo choàng này được thiết kế dành cho người cưỡi ngựa, giữ ấm cho cơ thể mà không gây trở ngại cho họ. Ngoài việc giữ lạnh trong mùa đông, những chiếc áo đó có thể phòng vệ muỗi và côn trùng vào mùa hè. Khi đi du lịch, chúng có tác dụng như một tấm chăn vào ban đêm. Người Mông Cổ trong vùng Ordos thường mặc một chiếc áo cánh dài bên ngoài Deel. Áo choàng thường được mặc bởi cả nam giới và phụ nữ ở vùng ngoại ô các thị trấn lớn, mà phần lớn là những người chăn nuôi du mục. Ở khu vực thành thị, Deels chủ yếu chỉ được mặc bởi người cao tuổi, hoặc sử dụng trong các dịp lễ hội.

Áo choàng của người Mông Cổ được làm từ các vật liệu khác nhau, từ da thú (da có hoặc không có lông thú) tới vải. Loại áo choàng da phổ biến làm từ da cừu (lamb), dê (goat), sói (wolf), cáo (fox), rái cá (otter), chồn marten hoặc từ chồn tuyết weasel. Ngoài ra, Deel của người dân vùng thảo nguyên Bắc Á còn làm từ bông (cotton), lụa (silk), len (wool), hoặc thổ cẩm (brocade). Thông thường, vào mùa xuân, người Mông Cổ mặc Deel bằng da cừu và len (buộc quanh thắt lưng bằng đai – các tác dụng như chiếc thắt lưng); còn đến mùa hè, họ mặc một áo mỏng có lót trong (terlig) bằng vải cotton.
 

Ngày nay, người Mông Cổ đã cách điệu hóa các trang phục của mình từ chiếc áo choàng truyền thống kết hợp với phong cách hiện đại. Chẳng hạn, áo khoác lông thú và da theo thiết kế phương Tây được gọi là “Nekhii Deel” và “Sawkhin Deel” (Có nghĩa là “Deel lông”, “Deel da” và “Deel len”). Những mẫu áo choàng này được làm bằng vật liệu sang trọng như len Cashmere (từ lông dê Kashmir) mềm mại. Loại len này có thể cách nhiệt gấp 8 lần len thường nên nó giữ ấm tốt trong tiết trời khá lạnh. Len Cashmere siêu nhẹ và giá cả đắt đỏ nhất trong các loại len. Tuy nhiên, các khu vực Mông Cổ khác, chẳng hạn như Bortala ở Tân Cương, vẫn may áo choàng theo chất liệu, phong cách truyền thống và loại áo choàng này được gọi tên là “Olondoi”.

Trong ngày xuân, người dân thảo nguyên vùng Bắc Á còn tạo hình cho mái tóc thêm sinh động. Các cô gái trẻ tết nhiều bím tóc kết hợp bằng sợi chỉ màu đỏ buông xuống từ đỉnh đầu, thiết kế mái tóc theo kiểu Chiến tranh giữa các vì sao  chải chuốt với mỡ cừu cứng, buộc tóc thành những chiếc sừng kỳ quái, che phủ bằng nhung. Đàn ông thường cột mái tóc của họ trong một sợi dây. Sự giàu có của mỗi gia đình thường được đo bằng trang sức đính trong tóc của họ. Những thiếu nữ Mông Cổ làm duyên khi tết nhiều bím tóc xung quanh trán mình bằng sợi ruy-băng màu đỏ. Sợi dây luồn trong mỗi bím tóc được cài đá quý (ngọc lam), san hô hoặc kim loại (bạc).

Một trong những chi tiết được đánh giá nguyên bản nhất của trang phục ngày Tết Tsagaan Sar ở Mông Cổ là mũ đội đầu truyền thống. Vật dụng này luôn là mặt hàng đặc biệt nhất trong bộ trang phục dân tộc của người bản địa. Có đủ các loại mũ cho mọi lứa tuổi, giới tính, các mùa, các dịp lễ hội, lễ nghi, mũ thời trang và mũ hàng ngày. Mũ đội đầu luôn được đặt ở những nơi cao ráo, tiện lợi cho việc sử dụng. Người dân xứ sở linh dương không bao giờ đặt chiếc mũ của mình ở nơi nó dễ bị làm bẹp hoặc bị nhàu nát. Các tài liệu nghiên cứu về văn hóa Mông Cổ cho biết, người dân ở xứ sở linh dương này thường đội mũ khi gặp nhau hoặc đến thăm ai đó cũng như rảo bước trên đường phố. Những người để đầu trần trong các cuộc gặp gỡ đầu năm mới sẽ không được đánh giá cao.

Trong cái rét ngọt đầu xuân, màu sắc rực rỡ là lựa chọn đầu tiên cho trang phục cũng như những chiếc mũ của người dân thảo nguyên Bắc Á. Các loại mũ của nam giới bao gồm Janjin Malgai và Toortsog. Ngày nay, chiếc mũ của Mông Cổ thường được sản xuất hàng loạt, thậm chí có thể nhập khẩu với chất lượng phù hợp. Họ còn dùng cả mũ lông thú kiểu Nga hoặc những chiếc mũ mang phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Mũ của phụ nữ thời trang hơn đàn ông. Trước kia, những loại mũ đẹp và thiết kế tinh xảo chỉ dành cho phụ nữ quí tộc. Ngày nay, một số cô gái thường đội mũ nhung với những dải ruy băng màu sắc ở hai bên đầu, có đính hạt lớn, đồ trang sức ngọc bích, san hô...

Dịp đầu năm mới, nhiều người du mục thích gây ấn tượng khi kết hợp áo choàng với những chiếc mũ lớn, được trang trí bằng bạc và san hô. Hình dáng và màu sắc chiếc mũ của mỗi người thường cho biết họ đến từ đâu. Mũ đội đầu của người dân thảo nguyên Bắc Á này có tới 400 kiểu khác nhau. Dạng sử dụng phổ biến mang hình nón (màu xanh hoặc đỏ) với 32 khâu, tượng trưng cho sự thống nhất của 32 bộ lạc Mông Cổ. Thời cổ đại, chiếc mũ này tượng trưng cho sức mạnh của đế chế Mông Cổ, có khả năng làm cho kẻ thù sợ hãi.  

Mũ cao bồi cũng phổ biến ở Tây Tạng. Phụ nữ và nam giới trung lưu đội những chiếc mũ mùa hè được làm bằng vải lụa sang trọng. Chiếc mũ được đính với những sợi ruy-băng cùng những nút thắt huyền ảo. Vào mùa hè Mông Cổ đeo hai chiếc mũ Toortsog gồm sáu múi. Toortsog có phần trên và một phần dưới. Phần trên được khâu từ sáu miếng riêng biệt. Loại mũ này dành cho con gái và đàn ông, còn phụ nữ đã lập gia đình không được phép đội .

Người Mông Cổ chỉ dùng Loovus (mũ chỉ) vào ngày Tết, các lễ hội hay đám cưới hoặc những dịp quan trọng khác. Loại mũ này thường được làm từ da sói hoặc da cáo và có chức năng bảo vệ người sử dụng rất tốt khi tiết trời quá lạnh giá và có gió bấc. Loại Shanaavch được trang trí với chuông bạc nhỏ đã được cố định vào tóc người sử dụng nó. Tolgoin boolt là một cái mũ thường được làm bằng bạc và đúc bằng đá quý hoặc đá bán quý. Trong những dịp Tết truyền thống hoặc lễ hội, họ đội mũ thêu hình ảnh Phượng hoàng đỏ nghênh diện về phía mặt trời hoặc hai con rồng chơi với một hạt cườm. Ở phần vương miện của nắp mũ là rìa màu đỏ và đá quý sáng lóa. Sự giàu có của gia đình thường được đo bằng đá quý và kim loại trong tóc của một người phụ nữ.

Mũ ở Ordos được coi là đặc trưng nhất của người Mông Cổ. Mũ loại này được gọi là “Fillet”, chủ yếu bao gồm “mặt dây chuyền”, “phủ tóc” và thường được đeo theo cặp: mỗi cái ở một bên đầu. Nó không chỉ được làm bằng tay nghề thêu, mà còn được trang trí với hàng trăm san hô, hàng chục chuỗi bạc, các nhóm ngọc trai và nhiều vòng bằng bạc, tấm bạc và đá bán quí. Sử dụng lâu ngày, nó giống như một chiếc rèm trang trí ngọc trai treo trước mặt. Một cặp fillet nặng từ ba đến bốn jin (một jin bằng một nửa kilogram) và một số có thể nặng đến mười jin. Người ta nói rằng, thậm chí cả đàn ngựa tốt hay hàng trăm con lạc đà tốt cũng không đủ để mua một cặp fillet đẳng cấp.

Người dân thảo nguyên Bắc Á có nhiều phụ kiện cho trang phục để chống lại sự rét mướt của tiết trời cuối đông còn vương vấn đầu xuân mới. Phụ nữ Mông Cổ thường quấn đầu trong một khăn choàng cổ. Một chiếc khăn thường dài khoảng vài zhangs (một zhang dài 3.3 mét). Chúng có nhiều màu sắc và được làm bằng vải, lanh, tơ tằm hoặc lụa mỏng. Những người phụ nữ trẻ Mông Cổ thích buộc khăn vào đầu, rồi cuộn tròn một chút ở bên phải, để cho rìa xuống. Phụ nữ đã lập gia đình sử dụng chiếc khăn quấn quanh đầu bằng cách buộc một vòng tròn xung quanh, không để lại rìa. Các tài liệu nghiên cứu về văn hóa Mông Cổ cho rằng, phong tục phụ nữ quàng khăn bắt đầu từ thời Thành Cát Tư Hãn (thế kỷ XIII). Khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, ông ra lệnh cho tất cả mọi người phải đeo khăn quàng cổ và vấn khăn lên đầu mình. Theo Hoàng đế Mongol, chiếc khăn này có biểu tượng là một phần lá cờ Mongol và điều đó hiển thị niềm tự hào của chủ nhân chiếc khăn khi họ là công dân của đế chế Mông Cổ hùng mạnh.

Để tôn thêm vẻ quý phái, duyên dáng (với nữ giới) và mạnh mẽ (với nam giới), người Mông Cổ thường kết hợp áo choàng với dây đai lưng cùng tông màu và giày cao cổ (ủng) da. Trong cái se lạnh đầu năm, đôi giày cao cổ sẽ giúp họ thêm ấm áp. Hiện nay, nhiều đàn ông Mông Cổ thích dùng những đôi giày nặng và bền theo kiểu giày của quân đội Nga.

Dây đai thắt lưng là một phần không thể thiếu của trang phục Mông Cổ khi mặc áo choàng. Thông thường, dây đai dài ba hoặc bốn mét, được làm từ vải bông, tơ tằm, vải sa-tanh. Màu sắc thường đi kèm với chiếc áo choàng. Dây đai của người đàn ông, thường được thắt chặt ở thắt lưng, dài và được gấp lại thành một dải rộng có tác dụng nịt bụng cho gọn gàng. Dây đai của người phụ nữ ngắn hơn, gấp gọn gàng hơn của người đàn ông. Sashes không chỉ đơn giản là trang trí cho tấm áo choàng của người Mông Cổ, mà nó còn có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể người mặc áo choàng và giúp họ di chuyển linh hoạt khi phi ngựa.

Trong dịp Tết, chiếc khăn xanh Khadag là một vật phẩm đặc biệt của khách dành tặng cho chủ nhà. Người Mông Cổ thờ nhiều thứ và chiếc khăn Khadag là một công cụ để thể hiện sự tôn trọng của họ đối với tất cả. Khadag chỉ dành tặng cho cha mẹ, người già mà họ đặc biệt kính trọng và chủ yếu dùng trong các nghi thức tang lễ. Nguyên liệu để sản xuất Khadag chủ yếu gồm: bông, tơ nhân tạo hoặc tơ tằm thuần túy. Khadag có thể khác nhau, không chỉ bởi màu sắc của chúng. Sự khác biệt của hình vẽ trên khăn và chiều dài của chúng được sử dụng cho những dịp khác nhau. Những hình ảnh in trên Khadag đầy cảm hứng khiến cho người nhận vô cùng thích thú. Ví dụ, một loại Khadag là Ayush Khadag: Các bản vẽ trên nó cho thấy hình ảnh của một người. Đối với Nanjvandan, nó có hình ảnh của mặt trời, mặt trăng và cũng có nhiều chữ cái được viết. Ngoài ra còn có nhiều khăn Khadags khác, có tên Ayush, Dash, Sersh, Sambai, Nanzad, Nanjvandan, Dashvandan.

Áo choàng, mũ, khăn choàng, giày cao cổ cùng chiếc khăn xanh Khadag nổi tiếng dùng để trao tặng nhau ngày Tết Tsagaan Sar… là những nét đặc sắc trong trang phục đón năm mới của người dân trên thảo nguyên Bắc Á. Đến nay, điều này vẫn còn in đậm trong đời sống của người dân bản địa, tôn vinh thêm giá trị di sản văn hóa dân tộc của họ. Các yếu tố văn hóa dân tộc truyền thống của Mông Cổ hội tụ trong mỗi con người nơi đây, toát lên từ thần thái của họ cùng những trang phục truyền thống, với ấp ủ mong muốn đón một năm mới yên vui, an lành và thịnh vượng.
Theo thegioidisan.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm