Thăm Tula, quê hương Đại văn hào Lev Tolstoy

Thăm Tula, quê hương Đại văn hào Lev Tolstoy
Và hơn hết, nơi ấy, ở vùng ngoại ô Tula là điền trang Yasnaya Polyana, nơi Nhà tư tưởng Nga, Nhà triết học, Đại văn hào vĩ đại của nhân loại Lev Tolstoy cất tiếng khóc chào đời năm 1828, nơi ông đã sống và viết nên những kiệt tác của nhân loại như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenia”…, cũng là nơi ông yên nghỉ khi qua đời năm 1910. Nằm cách Thủ đô Moscow hơn 200km về phía nam, Yasnaya Polyana dần hiện ra trước mắt chúng tôi thật rực rỡ, điền trang như được dát vàng bởi những thảm lá trong những ngày thu cuối tháng Mười. Mất khoảng hơn hai giờ chạy xe, chúng tôi có mặt tại Yasnaia Poliana thật sớm.
Thu vàng ở điền trang Yasnaya Polyana.
Thu vàng ở điền trang Yasnaya Polyana.
Con đường nhỏ dẫn vào điền trang của Lev Tolstoy trong tiết cuối thu rực rỡ. Lá vàng dường như không thể vàng hơn. Bầu trời dường như không thể xanh hơn. Chúng tôi không nén nổi niềm xúc động khi được đặt chân tới mảnh đất ấy, được hít thở cùng bầu không khí ấy, chiêm ngưỡng không gian ấy, và được chầm chậm bước theo con đường nhỏ lên đồi, nơi ngôi nhà bình dị của nhà văn nằm chen trong những tán bạch dương, tán lá phong đã ngả hết sắc vàng… Như cảm thấy đâu đây còn in dấu chân nhà văn lúc đương thời! Căn nhà nhỏ của Lev Tolstoy luôn cuốn hút bất cứ ai từng đặt chân tới điền trang bởi thư viện riêng của Đại văn hào với 22.000 đầu sách được in bằng 30 ngôn ngữ. Tháng 5-2011, thư viện này được đề cử vào danh sách “Ký ức thế giới”, thuộc Chương trình bảo vệ di sản tư liệu của UNESCO.
Ngôi nhà của Lev Tolstoy với thư viện riêng bên trong có 22 nghìn đầu sách được in ấn bằng 30 thứ tiếng.
 
Ngôi nhà của Lev Tolstoy với thư viện riêng bên trong có 22 nghìn đầu sách được in ấn bằng 30 thứ tiếng.
Ngôi nhà của Lev Tolstoy với thư viện riêng bên trong có 22 nghìn đầu sách được in ấn bằng 30 thứ tiếng.
Tuy nhiên, đến thăm điền trang, du khách đặc biệt nôn nóng muốn theo lối mòn bên trái căn nhà, ra viếng mộ con người được cả nhân loại ngưỡng mộ. Điều ngạc nhiên, nhưng không khó hiểu, đó là ngôi mộ nhỏ, bình dị, nằm bên lối mòn và một khe suối cạn, được ôm ấp bằng những cành trắc bá diệp bé xíu, nhưng xanh rì và tràn căng sức sống mạnh mẽ. Ngôi mộ thật nhỏ bé, khiêm nhường trong đại ngàn của rừng cây. Vẫn còn nghe văng vẳng trong không gian tĩnh lặng, như đang rì rào về biết bao câu chuyện mà nhà văn muốn kể cùng nhân loại. Bao trùm nơi Đại văn hào yên nghỉ là một sắc thu vàng, rực rỡ như cả một bầu trời lấp lánh đầy vinh quang. Cỏ trên mộ xanh ngắt, được điểm xuyết những chiếc lá phong, lá sồi vàng rực nối nhau rơi xuống. Không một tấm bia mộ, không một bức ảnh, không một dòng chữ nào về tên tuổi, ngày sinh, ngày mất của nhà văn…
Đường ra mộ Lev Tolstoy.
Đường ra mộ Lev Tolstoy.
Sự bình dị mà vĩ đại toát ra từ ngôi mộ cỏ, nơi không ngày nào không có hàng trăm, hàng nghìn lượt người tới viếng thăm Lev Tolstoy, để được nghiêng mình trước một nhân cách còn trường tồn với thời gian, dù trái tim ông đã ngừng đập từ hơn một thế kỷ trước. Chuyện kể về lời căn dặn cuối cùng của Đại văn hào, rằng hãy để ông yên nghỉ đúng nơi mà thời thơ ấu, anh em ông chơi trò đi tìm “chiếc que mầu xanh hạnh phúc” được chôn trong khu rừng. Ai tìm được chiếc que, thì sẽ ước gì được nấy, sẽ trở thành người thành đạt, may mắn và hạnh phúc, nhân loại sẽ không phải chống chọi với chiến tranh và bệnh tật... Và trong bạt ngàn của rừng cây, Lev Tolstoy cũng như các anh em của mình, không ai tìm lại được chiếc que mầu xanh ấy. Như số phận mỗi con người, để có được hạnh phúc, sẽ phải không ngừng đấu tranh, lao động và vươn tới… Và khi ra đi, Đại văn hào ước ao được chôn trên mảnh đất ấy, nơi chiếc que mất tích một cách bí ẩn, như ước vọng của chính nhà văn, tìm được và đem lại hạnh phúc cho nhân loại…
Ngôi mộ cỏ nằm khiêm nhường bên lối nhỏ trong rừng và một khe suối cạn.
Ngôi mộ cỏ nằm khiêm nhường bên lối nhỏ trong rừng và một khe suối cạn.
Cứ miên man trong hương sắc mùa thu, tôi chợt ngửi thấy mùi cỏ, mùi hôi của ngựa, hương vị đồng quê thoang thoảng trong không gian, chuồng ngựa ngay đâu đây, giống như hồi ấy, Đại văn hào trong buổi sáng sớm, trong chuyến đi cuối cùng ở điền trang, đã chạy tới ngôi nhà của bác xà-ích, giục bác đóng yên cương ngựa và lên đường trong một chuyến đi về miền vô định. Mười ngày sau khi rời khỏi điền trang, ngày 20-11-1910, ông đã chết vì viêm phổi tại nhà ga nhỏ, trong phòng của người trưởng ga, bỏ lại nơi trần thế niềm thương tiếc khôn nguôi.
Những con ngựa thong dong ở điền trang, tưởng như thời gian còn ngưng đọng như ngày nào Đại văn hào còn gọi bác xà-ích đóng yên cương và lên đường trong những chuyến đi.
Những con ngựa thong dong ở điền trang, tưởng như thời gian còn ngưng đọng như ngày nào Đại văn hào còn gọi bác xà-ích đóng yên cương và lên đường trong những chuyến đi.
Ngôi nhà của bác xà-ích, nơi Đại văn hào đến gọi bác chuẩn bị xe ngựa và lên đường trong chuyến đi cuối cùng.
Ngôi nhà của bác xà-ích, nơi Đại văn hào đến gọi bác chuẩn bị xe ngựa và lên đường trong chuyến đi cuối cùng.
nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm